Đạo Phật, TT Thích Chân Quang

Sân cũng là một khía cạnh của cái ác

Sân hận
Khi chúng ta gây tổn hại cho người khác, làm cho người khác đau khổ thì gọi là ác. Còn sân chỉ là mới nổi nóng nhưng đó là tiền đề để chúng ta làm điều ác. Có người không sân mà vẫn làm điều độc ác, điển hình như những tên cướp lầm lì, lạnh lùng ít nói nhưng giết người không gớm tay.
Ở miền Trung thời trước giải phóng, có vài người lính tụ tập ăn uống, vui chơi trong một quán rượu. Chợt có một người dừng chiếc xe Jeep trước quán và bước xuống. Anh ta đi vào đặt nón xuống, móc khẩu súng mạ bạc để lên bàn rồi gọi rượu uống. Bàn bên kia thấy thái độ của anh hơi xấc xược nên một người sĩ quan bước đến hỏi: “Này, anh bạn! Biết bắn không mà sắm cây súng đẹp vậy?. Anh ta lặng lẽ không trả lời, chỉ uống cạn ly rượu, dụi tắt điếu thuốc rồi cầm súng dí vào đầu người kia bắn đùng một phát. Người kia ngã xuống còn anh ta đội nón bước lên xe Jeep đi mất. Chúng ta thấy những người như vậy, họ không sân nhưng giết người một cách thản nhiên và lạnh lùng.
Còn có trường hợp nóng giận đưa tới hành động đánh người, giết người. Có thể bình thường chúng ta không hại ai, nhưng lúc nóng giận, mất bình tĩnh chúng ta dễ làm tổn hại người khác. Đó là trường hợp nổi sân rồi mới ác.
Dù ở trường hợp nào, mỗi người phải tập kiềm chế từ bỏ cả sân lẫn ác. Hàng ngày, lòng ta lúc nào cũng mong mọi người tốt lên, ta không hại ai. Đồng thời, ta vẫn phải luôn luôn tỉnh táo, biết kiềm chế, đề phòng cái sân. Vì chỉ cần một phút nổi nóng vẫn có thể xui khiến ta làm nhiều chuyện tàn độc như thường.
(Trích trong sách ĐẠO PHẬT VÀ XÃ HỘI – cuốn 2 – bài SÓI do TT THÍCH CHÂN QUANG biên soạn).
Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *