Là đệ tử Phật có tâm hồn chân chính khi gặp nhau, chúng ta chỉ nên bàn sâu về đạo lý để sách tấn nhắc nhở nhau áp dụng tu hành trong đời sống hàng ngày.
Nếu câu chuyện đạo lý làm tăng trưởng thiện pháp bao nhiêu thì câu chuyện phù phiếm làm tăng trưởng ác pháp bấy nhiêu. Như vậy tội và phước cũng theo đó mà lập thành.
Còn lời khoe khoang thì làm tổn đức người nói. Khi gặp một người thường hay kể về những cái hay của họ, bạn có thể đánh giá lập tức mà ít sai lầm là người này chưa thật là người tốt.
Thiền Sư Zenzetsu ( Nhật) căn dặn đệ tử “Đừng nói cho người chung quanh biết về con trước khi tự họ khám phá ra con.”
Thật vậy, người chân chính không nói về cái hay của mình, nhưng trong đời sống, từ nơi họ tự toát ra mọi sự tốt đẹp đến với mọi người. Mọi người chỉ biết cái hay của một người chân chính do hành vi của người ấy, chứ không phải do sự kể thành tích của người ấy.
Chúng ta có lẽ đã từng chứng kiến vài trường hợp, khi một người khoe ra cái hay của họ để rồi ít lâu sau cái không hay hiện bày trái hẳn với lời khoe khoang hôm trước.
“Tôi có sức nhẫn nhục sâu xa, không bao giờ sân hận”. Vài bữa sau, người nói lời hay này đã gặp chuyện phải đỏ mặt tía tai mất tự chủ.
Một đạo sĩ Ấn Độ tuyên bố ông có khả năng đi được trên mặt nước. Thế rồi khi rất nhiều người ùn ùn kéo tới chứng kiến đã thấy ông đạo sĩ rơi tỏm xuống hồ.
Lời nói khoe khoang làm tổn phước là như vậy.
Trích sách LUẬN VỀ NHÂN QUẢ trang 115, Tiến Sĩ Vương Tấn Việt – Thượng Tọa Thích Chân Quang.