Câu kệ mà ông Jatabhāradvāja hỏi: Bạch Thế Tôn, ở đời này ai cũng sống trong những ràng buộc, con hỏi ngài làm sao mình tháo gỡ được? Đây là một câu hỏi rất hay, nếu tôi gặp được Đức Phật, đây cũng là một trong những câu hỏi mà tôi sẽ hỏi; hoặc câu “con bỏ cái gì, con thêm cái gì mà con được an lạc, con bớt đau khổ”, đó là những câu quan trọng. Đức Phật trả lời vắn tắt: Người có trí là người biết và tin hai vấn đề: tam tướng và nhân quả. Người biết và tin hai vấn đề này sẽ lấy chúng để làm nền tảng tu tập tam học: Giới – Định – Tuệ.
– Giới là thân không làm điều quấy, khẩu không nói điều quấy.
– Định: tâm an trụ vào một trong 40 đề mục không để bị lăng xăng, giống như ngọn lửa để thoải mái thì ánh sáng và sức nóng phân tán, nếu tập trung lại thì sẽ sáng hơn, nóng hơn. Tâm mình cũng vậy, tu thiền Chỉ là gom tâm vào đề mục: niệm Phật, niệm hơi thở, niệm đất, nước, lửa, gió, xanh, vàng, đỏ, trắng v.v… Người không tu nghe cái này buồn ngủ hoặc mơ hồ về tác dụng lợi ích của nó, họ sẽ hỏi, tu mà tập trung tư tưởng làm chi. Một học trò giỏi là học trò có khả năng tập trung tư tưởng, không ai trên đời này làm được việc lớn mà không có khả năng tập trung tư tưởng. Đầu óc phân tán lăng xăng thì không làm được việc gì hết. Chuyện đơn giản nhất là xắt củ hành, chanh, ớt mà đầu óc lãng đãng là đã đứt tay, nói chi việc quan trọng hơn chi li hơn như lái xe, đi đứng ngoài đường. Làm gì cũng phải cần có khả năng định tâm tập trung vào việc đang làm.
– Tuệ là biết rõ bản chất của mình và của thế giới này là gì, biết rõ sự vận hành của nó ra sao, biết thân này gồm 6 đại: đất, nước, lửa, gió, hư không và thức, thiện ác, buồn vui. Thiện là nhân của vui, ác là nhân của khổ. Khi vui thì biết đây là quả của thiện quá khứ, khi bực bội thì hiểu ngầm đây là quả của ác quá khứ, khi nào thấy tâm bất thiện thì biết đây là nhân của khổ tương lai, biết tâm mình có lành thiện thì biết đây là nhân của vui tương lai. Hãy nhớ câu thần chú: Thiện đời này là nhân của vui đời sau, vui đời này là quả của thiện đời trước, khổ đời này là quả của ác đời trước, ác đời này là nhân của khổ đời sau.
Trong toàn bộ thân tâm mình chỉ có bốn thứ: thiện, ác, buồn, vui. Còn về hoạt động thì làm cái gì biết rõ cái đó, pháp môn thiền quán vắn tắt chỉ có nhiêu đó thôi. Buổi sáng thò chân xuống giường, biết chân chạm đất, đi vô nhà tắm đánh răng súc miệng, biết; tay cầm bàn chải cầm cái khăn, biết. Thực hành được như vậy đời sống các vị sẽ an lạc hơn và cái an lạc này hoàn toàn không thể chia sẻ cho người khác được.
Người có trí là người biết được, TIN được lý NHÂN QUẢ và lý TAM TƯỚNG, lấy đó để TU TẬP Tam học; người như vậy thì ràng buộc nào tháo cũng ra, đủ duyên thì thành Thánh ngay đời này, vô duyên thiếu phước thì cũng là gieo duyên giác ngộ cho đời sau.
Sư Giác Nguyên (giảng)