Lúc ấy, đức Phật đang ở tại thành Vương Xá, tinh xá Trúc Lâm. Tôn giả Mục Kiền Liên khi ấy tọa thiền dưới một cội cây, quán sát thấy một ngạ quỷ thân hình như cây đuốc cháy đỏ, bụng như hòn núi lớn mà cổ họng nhỏ như cây kim, tóc dài phủ khắp thân hình. Khắp người ngạ quỷ ấy đều rực lửa, thiêu đốt không ngừng, khát nước kêu khóc muốn chết. Ngạ quỷ ấy chạy tìm nước uống, đến chỗ sông suối nào thì ở đó nước đều tự nhiên cạn khô. Gặp khi trời đang mưa lớn, mà nước mưa vừa chạm thân ngạ quỷ liền hóa thành lửa đỏ, vẫn không có được chút nước nào vào miệng.
Ngài Mục Kiền Liên liền hiện thân đến trước ngạ quỷ ấy, hỏi rằng: “Ngày trước người tạo những ác nghiệp chi mà nay chịu quả báo khổ não như thế?” Ngạ quỷ đáp: “Tôi đang khát nước muốn chết được, chẳng thể trả lời ngài. Ngài nên đến chỗ Phật mà hỏi.”
Khi ấy, ngài Mục Kiền Liên liền đến chỗ Phật để hỏi nguyên do tác nghiệp ngày trước của ngạ quỷ ấy.
Phật bảo Mục Kiền Liên: “Ông hãy chú tâm lắng nghe, ta sẽ vì ông mà phân biệt giảng nói.
“Vào giữa Hiền kiếp này, xứ Ba-la-nại có vị Phật xuất thế hiệu là Ca-diếp. Khi ấy, có một thầy Tỳ Kheo trên đường hành hóa, gặp lúc nắng gắt khô khát lắm, muốn tìm một chỗ xin nước uống.
Bấy giờ có cô gái tên là Ác Kiến đang xách nước chỗ một cái giếng. Tỳ Kheo liền đến đó xin nước. Cô gái đáp rằng: “Dù ông có khát nước đến chết tôi cũng chẳng thể lấy nước này cho ông được. Nếu tôi cho ông, chẳng phải là sẽ giảm bớt số nước của tôi đó sao?” Nói vậy rồi nhất định chẳng cho Tỳ Kheo uống nước.
Lòng cô gái ấy cực kỳ tham lam, bủn xỉn, nên về sau có bao nhiêu người đến xin nước uống, cô cũng đều chẳng thí cho một ai. Đến khi mạng chung, do nghiệp duyên ấy mà phải đọa làm thân ngạ quỷ, chịu khổ não như thế, dù trong người khô khát muốn chết được nhưng chẳng bao giờ được uống nước.”
Phật bảo Mục Kiền Liên: “Cô gái tên Ác Kiến ngày đó, chính là ngạ quỷ khát nước mà ông nhìn thấy.”
Phật thuyết nhân duyên đọa ngạ quỷ của Ác Kiến rồi, chư Tỳ Kheo trong chúng hội liền lìa bỏ lòng tham lam, sân hận, lánh sợ đường sinh tử, có người đắc quả Tu-đà-hoàn, có người đắc quả Tư- đà-hàm, có người đắc quả A Na Hàm, có người đắc quả A La Hán, lại có nhiều người phát tâm cầu quả Duyên Giác, cũng có người phát tâm cầu quả Vô thượng Bồ Đề.
Các vị Tỳ Kheo nghe Phật thuyết nhân duyên này xong thảy đều vui mừng tin nhận.
Trích Kinh Bách Duyên