Đạo Phật

Hạng người nghe pháp “như nước đổ lá môn”

Hạng người nghe pháp "như nước đổ lá môn"
Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi, tại vườn ông Anàthapindika dạy các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, có ba hạng người này xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Hạng người với trí tuệ lộn ngược, hạng người với trí tuệ bắp vế, hạng người với trí tuệ rộng lớn.
Này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người với trí tuệ lộn ngược? Ở đây, có hạng người thường đi nghe pháp. Người ấy, đối với bài thuyết giảng không có tác ý đến đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối. Khi đứng dậy, đối với bài thuyết giảng không có tác ý đến đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối. Ví như, một cái ghè lộn ngược, nước chứa trong ghè tuôn chảy, không dừng lại.
Này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người với trí tuệ bắp vế? Ở đây, có hạng người thường đi nghe pháp. Người ấy, đối với bài thuyết giảng có tác ý đến đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối. Nhưng khi đứng dậy, đối với bài thuyết giảng không có tác ý đến đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối. Ví như, trên bắp vế một người, để các hạt đậu, hạt gạo. Khi người ấy đứng dậy, khiến tất cả đều rơi vãi.
Này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người với trí tuệ rộng lớn? Ở đây, có hạng người thường đi nghe pháp. Người ấy, đối với bài thuyết giảng có tác ý đến đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối. Khi đứng dậy, đối với bài thuyết giảng có tác ý đến đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối. Ví như, một cái ghè dựng đứng, nước chứa trong ấy được giữ lại, không có chảy đi.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Người, phần Lộn ngược [lược], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.231)
LỜI BÀN:
Trong Phật giáo, nghe pháp là một trong những phương thức tu tập trí tuệ (văn tuệ). Nhờ nghe pháp mà am hiểu giáo lý và trực nhận ra nhiều vấn đề, rồi từ đó có thể chuyển hóa được các tật xấu, những khổ đau. Tuy nhiên, trong số khá nhiều người tham dự nghe pháp tại các đạo tràng, giảng đường thì không phải ai cũng hội đủ căn lành để nhận thức trọn vẹn giáo pháp.
Có hạng người nghe pháp chỉ để “gieo duyên”, không tập trung, không nắm bắt được giáo nghĩa và tất nhiên là họ không thể suy tư, chiêm nghiệm về lời Phật dạy để áp dụng trong cuộc sống thường ngày. Phật ví hạng người này như cái ghè úp ngược, không đựng được chút nước nào.
Hạng người thứ hai thì mau quên, khi nghe pháp có tập trung, hiểu được giáo pháp nhưng nghe xong thì thôi, chẳng lưu tâm nghiền ngẫm. Tuy có khá hơn hạng người thứ nhất nhưng vì ít lưu tâm nên dù nghe pháp nhiều vẫn hiểu biết giáo pháp rất khiêm nhường. Phật ví sự hiểu biết giáo pháp của hạng người này như hạt đậu, hạt gạo để trên bắp vế, đứng dậy là rơi ngay xuống đất, không dính lại.
Hạng người thứ ba nghe pháp được Phật khen ngợi, vì sau khi nghe hiểu thì thường xuyên nhớ nghĩ, tư duy, chiêm nghiệm về những gì đã được nghe. Nhờ vậy, giáo pháp luôn thấm nhuần trong cuộc sống, ứng xử của họ. Và hẳn nhiên hạng người này tu tập có chuyển hóa, đạt được an vui, giải thoát.
Vì thế, những người con Phật luôn tự răn nhắc mình để hướng đến là hạng người nghe pháp với trí tuệ rộng lớn: nghe, hiểu, ghi nhớ, chiêm nghiệm và thực hành.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *