Mục đích của đạo Phật dạy chúng ta tu là để giải thoát sanh tử, cứu kính hoàn toàn tự do. Muốn giải thoát sanh tử chúng ta phải dẹp sạch tâm lăng xăng, lộn xộn nào buồn, thương, giận, ghét v.v… lâu nay làm rối mình. Chúng lặng hết rồi thì ta sẽ giải thoát khổ đau. Đó là cái gốc của sự tu. Tâm đó không thật, nếu vừa dấy ta chịu khó nhìn thì nó mất.
Cho nên trong kinh thường ví dụ, như đêm rằm ta nhìn thấy mặt trăng dưới đáy hồ tròn đẹp. Có người nói dưới đáy hồ có mặt trăng, người khác nói không có mặt trăng. Vậy ai nói đúng? Nói có là thừa nhận dưới đáy hồ có mặt trăng thật, vậy thử vớt lên xem. Vớt lên không được thì nói có thật không đúng. Nếu nói không, sao mắt thấy rõ ràng nó dưới đáy hồ nên nói không cũng không đúng. Phật bảo thấy có thấy không là thấy hai bên, đó là biên kiến, không đúng chân lý.
Bây giờ phải thấy làm sao? Người thấy đúng lẽ thật sẽ nói mặt trăng dưới đáy hồ có nhưng chỉ là bóng không thật. Nói như thế mới không mắc kẹt hai bên, đó là lý trung đạo. Do duyên hội tụ chúng ta thấy có mặt trăng dưới đáy hồ, chớ sự thật mặt trăng không có thật mà cũng không phải không ngơ. Nói có thật, nói không ngơ đều là sai lầm. Người thấy được như vậy gọi là người trí tuệ. Đối với tâm nghĩ tốt, nghĩ xấu không thật mà mình theo nó là si mê. Biết nó là tâm hư dối không thật, chúng ta buông xả thì nó không ràng buộc, chi phối mình nữa, đó là chúng ta được tự do.
Người tu Thiền khi niệm khởi đừng chạy theo, buông xả thì sẽ được yên định. Người tu Tịnh độ chú tâm niệm Phật, nên vọng tưởng lặng đi, cuối cùng đến chỗ nhất tâm. Tóm lại muốn giải thoát sanh tử chúng ta phải dừng phải lặng tâm vọng tưởng của mình. Lâu nay chúng ta chấp nó là mình nên bị ràng buộc lôi kéo. Giờ đây chúng ta làm chủ, không để nó lôi kéo nữa. Đó là tự do tuyệt đối của con người.
Chấp tâm lăng xăng hư dối là thật sẽ đưa chúng ta tới những cuộc tranh đua, giết chóc làm đau khổ cho nhau. Giờ mình biết tâm đó không thật, ta nghĩ thế này, người kia nghĩ thế khác, đó là quyền của mỗi người, không có chi phải buồn giận. Trong kinh A-hàm Phật dạy một câu hết sức chí lý: Người biết tôn trọng chân lý là người khi nghĩ thế nào, thì nói “đây là cái nghĩ của tôi”. Không nói cái nghĩ của tôi là đúng, đó là biết tôn trọng chân lý. Nếu cho rằng cái nghĩ của tôi là đúng thì cái nghĩ của người khác sai. Ai cũng giữ phần đúng về mình thì đi tới gây nhau, đánh nhau. Bây giờ chỉ nói “cái nghĩ của tôi thế này”, không thêm đúng sai gì cả, thì yên. Đó mới thật là tự do, mỗi người có quyền nghĩ tự do nhưng không bắt buộc người khác giống mình.
Nếu là chân lý chúng ta nói đúng được, nhưng tất cả đều không thật mà khẳng định đây đúng kia sai là hoàn toàn mê lầm. Mê lầm mà không biết mình mê lầm thì gọi là gì cho xứng? Đại mê lầm, tức mê lầm không ai hơn. Chúng ta hiểu đạo biết tu, phải thoát ly những mê lầm đó. Sống tôn trọng tự do về ý niệm của mỗi người, không đòi hỏi ai cũng như mình. Không đòi hỏi bên ngoài mà đòi hỏi ở mình, đòi hỏi ở nội tâm mình.
Như vậy tự do trong đạo Phật là tự do xoay lại mình, làm chủ mình chớ không phải tự do đòi hỏi ở kẻ khác. Biết xoay lại biết làm chủ mình đó mới là tự do tột cùng, đó mới là người hùng, người giác ngộ. Cho nên trong kinh Pháp Cú, Phật dạy “Thắng một vạn quân không bằng thắng mình. Thắng mình là chiến công oanh liệt nhất”.
Chúng ta đòi hỏi tự do, đòi hỏi bình đẳng thì hãy xoay lại nội tâm mình mà đòi, đó là người khéo tu. Nếu cứ trông ra ngoài đòi hỏi thì suốt kiếp cũng không thỏa mãn được. Người mê thì đòi bên ngoài, người tỉnh thì đòi nơi mình. Khi nào chúng ta không còn bị nghiệp trói buộc, không còn bị tâm mê lầm lôi cuốn nữa, lúc đó hoàn toàn tự do. Đây là hình ảnh giải thoát trong đạo Phật. Vì vậy đạo Phật nói tự do tuyệt đối là giải thoát, không còn bị trói buộc bởi mê lầm về thân, mê lầm về tâm. Đó mới là gốc, là căn bản của người tu theo đạo Phật.
Tu như vậy mới gọi là chân tu, thật tu. Còn hiểu sai hoặc hiểu mà không hành, đó là tu ngoài miệng chớ chưa thật tu. Chúc tất cả quí vị đều được tự do tuyệt đối như đức Phật đã dạy.
Trích “ĐẠO PHẬT LÀ ĐẠO BÌNH ĐẲNG TỰ DO TUYỆT ĐỐI”
H.T Thiền Sư Thích Thanh Từ