Chúng ta cũng tin sâu chẳng nghi hiệu quả có được [từ sự tu tập], người ở nơi đây phát tâm chân chánh tu hành, giống như cổ nhân Trung Quốc có nói: “Một người có phước thì mọi người đều thơm lây”, phước của người này càng lớn, thì công đức và sức ảnh hưởng của họ càng rộng. Chỗ này có nghĩa là chân chánh được oai thần chư Phật, Bồ Tát gia trì, người tu hành ở địa phương này trong vòng một trăm do-tuần, theo cách nói của cổ Ấn Độ, phạm vi một trăm do tuần rất lớn, một do tuần là bốn mươi dặm, một trăm do tuần là bốn ngàn dặm, phạm vi này lớn dường nào. [Một người] tu hành ở Tân Gia Ba, hầu như cả Trung Quốc Đại Lục đều bao gồm trong phạm vi bốn ngàn dặm này, có sức mạnh lớn như vậy. Chư vị phải biết tu hành chân thật mới có sức mạnh như vậy; nếu không phải tu thật, phạm vi bốn chục thước cũng chẳng đạt được chứ đừng nói đến trăm do- tuần. Đây là sự thật, nhất định phải hiểu đạo lý này. Nói thật ra người hiện nay có thể hiểu đạo lý này dễ hơn người thời trước, người thời trước đọc kinh này mà có thể hiểu, có thể tin, chúng ta thật không thể không khâm phục, thiện căn phước đức của họ rất sâu dầy. Vì lời giải thích thời xưa không được tường tận, và cũng không tìm ra chứng cớ. Ngày nay chúng ta có khoa học kỹ thuật tiến bộ, dùng phương pháp khoa học để chứng minh nên dễ hiểu hơn thời xưa rất nhiều. Đạo lý này đã được giải thích phía trước, hy vọng mọi người suy nghĩ kỹ càng.
(Lược Trích Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký -Chủ giảng: Hòa thượng Tịnh Không. Quyển Thượng .PHẨM THỨ SÁU: NHƯ LAI TÁN THÁN: – Tập 25-Tr – 585 -586)