Trình Di Bá, vừa được 29 tuổi, một hôm nằm mộng thấy người cha đã chết hiện về nói rằng: “Mạng con sẽ dứt trong năm này, có thể nhờ Giác Hải cứu cho.” Di Bá tỉnh dậy hoang mang không hiểu. Đến ngày kia bỗng gặp một vị tăng từ đất Thục [Tứ Xuyên] đến, rất giỏi thuật xem tướng, liền thưa hỏi tên họ, vị ấy xưng là Giác Hải. Di Bá xin hỏi về tuổi thọ, vị ấy liền nói: “Mạng số ông ngắn lắm, e là không được đến năm sau.” Di Bá hết sức khẩn cầu cứu mạng, sư bèn lấy một chén nước, thổi vào đó một hơi rồi đưa cho Di Bá uống, dặn rằng: “Đêm nay nếu mộng thấy điềm lành hãy cho ta biết.”
Đêm ấy, Di Bá nằm mộng thấy mình đi đến một phủ quan, phía hành lang bên trái có một số nam nữ áo mão chỉnh tề cùng đứng, dáng vẻ vui mừng, lại thấy nơi hành lang bên phải cũng có một số người đang đứng, nhưng đều bị gông cùm xiềng xích, khóc lóc thảm thiết. Khi ấy, có người đứng bên cạnh Di Bá nói: “Bên hành lang trái là những người xây cầu sửa đường, bên hành lang phải là những kẻ phá đường hoại cầu. Muốn cầu sống lâu hưởng phúc, có thể tự chọn lấy.” Di Bá liền phát nguyện đem hết sức mình tu sửa cầu đường. Về sau gặp lại Giác Hải, sư nói: “Tuổi thọ đã tăng thêm.”
Di Bá sống thọ đến 92 tuổi, con cháu năm đời đều được phồn vinh thịnh vượng.
Lời bàn: Xây cầu với phá cầu là hai hạng người phân biệt rõ ràng, quả báo lành dữ cũng là hai đường khác biệt. Nếu cho rằng không có nhân quả, nhất định phải gặp tai họa nặng nề.
Ở Côn Sơn có người tên Chu Quý Phu, nhà giàu có lại rất hoan hỷ ra sức làm việc thiện, đến tuổi trung niên vẫn chưa có con. Về sau dời nhà đến quận Tô, gặp được một dị nhân bảo rằng: “Số ông không con. Nếu muốn có con, nên xây dựng 300 cây cầu thì có thể được.”
Quý Phu thưa: “Tôi thật không đủ sức, biết làm thế nào?”
Người kia nói: “Việc xây cầu không kể lớn nhỏ, cũng không nhất thiết là xây mới, chỉ cần sửa sang chỗ hư hỏng cũng được tính vào số đó.”
Quý Phu vui mừng làm theo như vậy, chỗ nào cần xây mới thì xây, chỗ nào cần sửa sang thì sửa, không chút nề hà khó khăn. Đến khi được đủ số 300, Quý Phu đã 60 tuổi, nhưng vẫn liên tiếp sinh được ba đứa con trai, sau trưởng thành đều là những bậc danh nho. Trong số đó có một người là con rể của Thái tiên sinh.
Ông sống đến 84 tuổi, mất vào năm thứ 49 niên hiệu Khang Hy [1710].
Lời bàn: Xây dựng hoặc sửa chữa một cây cầu có thể giúp cho việc đi lại của vô số người, huống chi nhiều đến số ba trăm? Thế nên tự nhiên mạng số được chuyển từ không con thành có con, nhưng như thế hẳn cũng còn chưa hết phước báo.
Trích An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Tin Sâu Nhân Quả
Nguyên tác Hán văn: Âm Chất Văn Quảng Nghĩa
Tác Giả: Chu An Sĩ
Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến