Triều Minh có Dương Sĩ Trừng là người làng Kính Xuyên thuộc huyện Ngân, tỉnh Triết Giang. Ban đầu Sĩ Trừng làm chức thư lại trong huyện, luôn giữ tâm nhân hậu, thi hành theo đúng pháp luật công bằng. Bấy giờ, quan huyện lệnh nghiêm khắc quá độ, từng dùng roi đánh một người tù đến nỗi máu chảy đầy sân mà vẫn chưa nguôi giận. Sĩ Trừng quỳ xuống xin tha, nói: “Trong việc tra xét cho rõ tình thật, phải khởi lòng thương xót phạm nhân, không được có ý mừng vui. Xử tội người khác mà vui còn không được, huống chi là tức giận?”[*] Quan huyện nghe ông nói đúng lý lẽ nên phải quay lại xét mình, tự nguôi cơn giận.
Nhà Sĩ Trừng nghèo lắm, nhưng có ai mang quà biếu đến đều tuyệt đối không nhận. Gặp lúc tù nhân đói thiếu, ông tìm mọi cách cứu giúp. Ngày kia, có một số tù nhân mới đưa đến, đang đói lắm. Trong nhà Sĩ Trừng khi ấy chỉ còn đủ gạo ăn trong ngày đó thôi. Ông hỏi những người tù kia từ đâu đến, họ nói: “Từ Hàng Châu, đã phải chịu đói mấy hôm rồi.” Sĩ Trừng nghe vậy thì về lấy hết gạo trong nhà, nấu cháo mang đến chia cho số tù nhân ấy.
Về sau, Sĩ Trừng sinh được một con trai là Dương Thủ Trần, làm quan thăng dần đến chức Hàn lâm Học sĩ. Sĩ Trừng cũng được phong tặng cùng tước quan như con.
[*] Ở đây Dương Sĩ Trừng đã mượn lời Tăng tử nói về việc tra xét án tụng để khuyên quan huyện.
Lời bàn: Tự mình chịu đói chỉ mới hôm nay, còn các tù nhân kia đã đói nhiều ngày. Nếu so sánh như thế, giữ gạo lại để tự mình được no đủ sao bằng nấu cháo cấp cho tù nhân? Tâm niệm vị tha của Sĩ Trừng như thế, nhận được phước báo về sau như thế cũng là chuyện đương nhiên vậy.
Trích An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Tin Sâu Nhân Quả
Nguyên tác Hán văn: Âm Chất Văn Quảng Nghĩa
Tác Giả: Chu An Sĩ
Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến