Ông là bác sĩ có tiếng ở bệnh viện lớn và phòng mạch riêng không ngớt bệnh nhân. Ông kiếm được nhiều tiền nên cuộc sống gia đình vô cùng thoải mái. Vợ ông ở nhà nội trợ và chăm con. Lẽ thường, kẻ có tiền vẫn muốn có nhiều hơn. Thế nên bà bàn với chồng đem tiền cho vay lấy lãi.
Ông bảo, sao cũng được, miễn đừng để có chuyện xảy ra làm ảnh hưởng đến uy tín và công việc của ông. Bà nhờ người em trai đứng ra cho vay “nóng” với lãi suất rất cao để hưởng lời. Đối tượng vay nóng của bà thường là người nghèo hoặc đã cùng đường, không có tài sản giá trị thế chấp để vay ngân hàng và cần tiền gấp cho những mục đích như bị tai nạn, chữa bệnh, bị thúc ép bởi một khoản vay khác, việc sản xuất chăn nuôi thất bại, thiên tai hỏa hoạn…
Mỗi lần một con nợ mất khả năng chi trả, buộc phải mất tài sản vào tay chủ nợ là lúc ông bà giàu thêm một chút. Ông bà có hai căn nhà mặt tiền, rồi lại thêm một căn, hai căn khác.
Bà không mủi lòng trước ai cả, bởi “mình nghĩ cho họ thì ai nghĩ cho mình!”. Không trả được thì “siết nợ” chứ không lôi thôi chi cho mệt. Dù có người khuyên đừng làm cái nghề thất đức đó nữa nhưng bà An bảo phải tranh thủ kiếm càng nhiều càng tốt khi còn có thể.
Còn ông, có đến… n lần làm ngơ trước những bệnh nhân nghèo. Ông nói, ông có quyền ấn định chi phí theo ý ông, vì ông là bác sĩ giỏi. Có tiền thì đến, không thì tìm đến bác sĩ khác mà chữa hoặc mang về nhà chờ chết.
Các con của ông bà học giỏi và ngoan nên ông bà hãnh diện lắm. Bà vẫn tâm đắc rằng nếu không nhờ tiền thì làm sao các con bà có điều kiện đi du học, rồi sắm xe con, thuê người làm, ăn xài thoải mái?
Ngày con trai út dắt bạn gái về ra mắt, một cô gái tỉnh lẻ gia cảnh nghèo khó, ông bà nói thẳng rằng cô đừng mong bước vào nhà này để hòng kiếm chác, hơn nữa, “cha mẹ cô không thích hợp ngồi sui với chúng tôi”. Cô gái cúi mặt khóc, chào ra về và mang theo đứa con của con trai của ông bà từ đó. Anh ta biết không thể thuyết phục được cha mẹ mình và cũng không thể rời bỏ người mình yêu nên đã bỏ nhà đi cùng cô gái đó.
Ban đầu, cô gái ấy vẫn khuyên anh quay về nhà nhưng trước sự cương quyết của anh, họ đã đăng ký kết hôn và sống cùng nhau.
Biết tin, ông bà tìm đến nơi cô làm việc, xúc phạm cô và gây áp lực với lãnh đạo để buộc cô nghỉ việc. Cô xin được việc làm ở nơi khác, họ lại tiếp tục làm khó cô. Cứ thế, cô bị trầm cảm và sau đó mất vì tai nạn giao thông.
Ông bà thuyết phục hết lời để con trai trở về nhà nhưng từ một người chí thú làm ăn bỗng dưng anh ta đổi khác, chơi bời trác táng và bất cần đời. Ông bà cũng cảm thấy có lỗi với con nên không tiếc tiền cho anh gầy dựng lại sự nghiệp, liên tục bán mấy căn nhà và đất đai, đưa tiền cho con “làm ăn”. Khi biết tin con trai út chết vì sốc thuốc, ông bà mới biết bấy lâu anh chẳng làm ăn gì cả mà chỉ ném tiền vào ma túy và ăn chơi vì chán đời.
Sau đó không lâu, ông bà đón nhận cái tin cô con gái bị cảnh sát nước sở tại bắt giữ và tuyên phạt hơn 20 năm tù vì tội sử dụng và buôn bán ma túy khi đang chuẩn bị hoàn tất chương trình thạc sĩ. Cô gái nghe lời xúi giục của gã bạn trai người nước ngoài và trở thành miếng mồi cho hắn lợi dụng. Thế là coi như họ đã mất đứa con gái duy nhất.
Con trai lớn vừa mất hôm qua vì u não ác tính. Là bác sĩ, nhưng ông cũng đành bất lực, không thể can thiệp gì nhằm cứu lấy con mình.
Bà tỉnh lại nhưng còn rất mệt. Ông cũng muốn nán lại đây để ở cạnh con thêm một lát và cũng để có thời gian nhìn lại. Bấy lâu công việc cứ cuốn ông đi. Hết bệnh viện lại đến phòng mạch đã lấy đi bao năm tháng của ông. Ông miệt mài trải đời ở những nơi đó để kiếm tiền, cốt mong sao mang về cho con cái mình những gì tốt nhất, thế mà giờ ông còn lại gì?
Bây giờ thì ông tin nhân quả là điều có thật. Ông đã quyết, lần này ông sẽ khuyên vợ không làm cái việc cho vay nặng lãi nữa và sẽ dùng số tài sản còn lại để giúp đỡ những hoàn cảnh không may xung quanh mình. Lần đầu tiên ông khóc, những giọt nước mắt ân hận.
Phạm Thư
(Theo Thanh Niên)