Triều Tống có quan đại phu Tưởng Viện, sinh được 10 đứa con. Đứa thứ nhất gù lưng, đứa thứ hai chân thọt, đứa thứ ba thân hình co quắp, đứa thứ tư què cả hai chân, đứa thứ năm điên loạn, đứa thứ sáu si độn, đứa thứ bảy tai điếc, đứa thứ tám mắt mù, đứa thứ chín câm không nói được, đứa thứ mười chết trong lao ngục.
Công Minh Tử Cao thấy vậy hỏi rằng: “Đại phu đã từng làm những gì mà chiêu cảm tai họa đến mức này?” Tưởng Viện đáp: “Tôi cả đời chẳng làm điều gì xấu ác, chỉ hay ganh tỵ. Thấy người tài ba hơn thì tôi ghét, được người nịnh hót thì tôi vui, nghe điều tốt lành của người khác thì sinh nghi ngờ, nghe điều xấu ác của người khác thì tin ngay, thấy người khác có được điều gì thì buồn bực như mình bị mất, thấy người khác bị mất cái gì thì vui như mình được vậy”.
Tử Cao than rằng: “Đại phu mà còn giữ mãi tâm tánh như thế, sợ rằng phải chịu đến đại họa tuyệt diệt cả dòng họ chứ không chỉ như thế này thôi đâu!”
Tưởng Viện nghe như thế hoảng hốt lo sợ. Tử Cao liền nói: “Trời tuy cao nhưng xét việc rất gần, nếu có thể bỏ điều xấu trước đây mà từ nay sửa đổi thì sẽ chuyển họa thành phước, kết quả đến không lâu”.
Tưởng Viện từ đó tu tâm sửa tánh, thay đổi hoàn toàn ngược hẳn với những tâm niệm nhỏ nhen trước đây. Chẳng mấy năm sau, những khuyết tật của các con dần dần được khỏi.
Lời bàn: Một lời của Thạch Kỳ, quẻ bói hóa thành tốt đẹp [1], ba câu của Tống Cảnh, điềm dữ hỏa tinh lánh xa [2]. Đây chính sự minh chứng cho ảnh hưởng tác động mà sách Thượng thư gọi là: “Thuận đạo lý ắt hưởng quả lành, nghịch đạo lý ắt gặp tai ương”.
[1] Theo sách Lễ ký, thiên Đàn cung, vào đời Xuân Thu chiến quốc, quan đại phu nước Vệ là Thạch Đài Trọng chết mà không có con trai dòng đích. Sáu người con dòng thứ nhờ người bốc quẻ để quyết định ai là người chính thức nối chức đại phu của cha. Người bốc quẻ khuyên rằng: “Nên tắm gội sạch sẽ đeo ngọc vào sẽ bói được quẻ tốt”. Có năm người nghe lời ấy đều tắm gội rồi đeo ngọc trước khi bói quẻ, chỉ riêng Thạch Kỳ nói rằng: “Có ai lại đang để tang cha mà đeo ngọc trang sức được sao?” Nói rồi quyết không đeo ngọc. Kết quả chính Thạch Kỳ lại bói được quẻ tốt nhất. Người nước Vệ đều cho rằng việc bói mu rùa quả nhiên chọn được người hiền.
[2] Vào thời Xuân Thu chiến quốc, có một năm ở địa phận nước Tống xuất hiện hỏa tinh trên trời, báo hiệu điềm xấu cho đất nước. Tống Cảnh công lo buồn lắm. Quan coi việc thiên văn là Tử Vi tâu lên rằng: “Tôi có thể làm cho tai họa này hướng đến một mình quan Thừa tướng”. Cảnh công nói: “Thừa tướng là đại thần tâm phúc, như tay chân của ta, sao có thể làm như vậy được?” Tử Vi lại nói: “Vậy tôi có thể chuyển tai họa đến cho dân thường”. Cảnh công nói: “Chỗ dựa của bậc quân chủ chính là dân thường. Sao có thể làm như thế được?” Tử Vi lại nói: “Vậy tôi có thể chuyển đổi tai họa này thành nạn mất mùa trong năm nay”. Cảnh công nói: “Mùa màng nếu thất bát, nhân dân cùng khổ, ta còn dựa vào đâu để làm bậc quân vương? Không thể làm như thế được”. Tử Vi liền chúc mừng, nói rằng: “Trời tuy cao nhưng có thể lắng nghe hết thảy những lời nói trong nhân gian. Nay bệ hạ có thể nói ra được ba câu nhân từ thương xót dân lành, nhất định hỏa tinh rồi sẽ ra khỏi địa phận nước Tống”.
Trích An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Tin Sâu Nhân Quả
Nguyên tác Hán văn: Âm Chất Văn Quảng Nghĩa
Tác Giả: Chu An Sĩ
Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến