Vào triều Thanh, vùng Gia Định [ngày nay thuộc Thượng Hải] có hai anh em nhà họ Trương, khi phân chia gia sản cha mẹ để lại, người anh lẽ ra phải trả cho em mười mấy lượng bạc, nhưng anh ta lại dựng chuyện chỉ hươu chỉ nai, cố ý không muốn trả. Người em nghèo, tính tình chất phác, không nói lại được anh, liền đến nhờ ông chú phân xử, vì ông là người trước kia đã đứng ra phân chia gia sản. Ông chú thấy người anh giàu có, có thể nhờ cậy được, nên quay sang bênh vực cho người anh. Người em trong lòng hết sức giận tức. Đến mùa hè năm Đinh Sửu niên hiệu Khang Hy [1697] liền viết một bản văn sớ kể lể hết sự tình, mang đến khấn rồi đốt ở miếu Thành hoàng trong làng. Đốt xong, đợi năm ngày mà không thấy chút cảm ứng gì, lại đốt tiếp một bản văn sớ nữa. Qua hôm sau, người chú bỗng lăn ra chết, người anh cũng chết. Rồi cuối cùng người em cũng chết luôn.
Sau khi chết, cả ba người đều thấy mình bị dẫn đến miếu Thành hoàng. Thần nói: “Ba người các ngươi thật chưa chết, nhưng ta triệu cả ba đến đây là vì có sớ kiện, phải thẩm xét cho rõ sự việc”. Rồi thần hướng về người anh, nói: “Ngươi quả thật chưa trả mười lăm lượng bảy tiền cho em, sao còn mưu gian cậy thế? Phạt ngươi 30 trượng”. Lại nói với người em: “Việc này sao không tố cáo với quan ở dương gian, lại xem thường kinh động đến âm phủ? Phạt ngươi 25 trượng”. Lại trách mắng người chú: “Ngươi là chú sao không phân xét công bằng, lại xu nịnh người giàu, khinh dễ kẻ nghèo, khiến cho hai cháu phải thưa kiện đến đây, phạt ngươi 10 trượng”.
Xử việc xong, cho cả ba về. Ba người tỉnh lại, hóa ra đã chết hơn nửa ngày, người nào cũng than nơi bắp đùi đau đớn lắm, lại nhìn vào mông đều thấy thịt tím bầm. Cả ba người nằm liệt hơn mười ngày mới dậy nổi.
Lời bàn: Người chú họ Trương vốn không có thù riêng với cháu, chỉ là muốn hùa theo điều lợi mà thôi. Đâu biết rằng hết thảy mọi việc ở dương gian, nơi âm phủ đều có sổ sách ghi lại rõ ràng, không sai sót? Cho nên dương thế còn có chuyện oan ức, nhưng âm ty tuyệt không phán xử sai lầm. Trên dương thế còn có ảnh hưởng của tình cảm khi xét xử, nhưng âm ty chỉ theo đúng luật mà làm. Việc hỏi tội nơi dương thế, bất quá chỉ phán xét theo những việc trong đời này, nhưng âm ty luận tội thì cân nhắc hết thảy mọi việc trong nhiều đời trước. Người gặp việc oan ức, nếu hiểu rõ được nhân duyên đời trước ắt sự uất ức sẽ tự tiêu tan.
Tôi nhớ vào năm Nhâm Tuất [1706] ở trấn Nam Tường cũng thuộc vùng Gia Định, trong gia đình của Lục Chấn Cầu phát sinh một chuyện thật hết sức ly kỳ. Cứ theo lời người nhà ấy thì ma quỷ cõi âm khi đi lại cũng phải có điệp văn [tờ giấy có sự xác thực của cấp thẩm quyền, dùng để đi lại ở những vùng nhất định, ngày nay gọi là giấy thông hành] lại không được phép đi qua các bến sông.
Năm ấy, người cháu dâu của Lục Chấn Cầu bị bệnh, bỗng có một con quỷ nhập vào, tự nói ra rằng: “Tôi vốn là người ở huyện Vụ Nguyên, Huy Châu, ở bờ sông phía bắc bán trứng cá, bị một nhà buôn kia thiếu nợ quá nhiều không trả, mất sạch cả vốn lẫn lãi, do đó uất ức mà chết. Tôi chết rồi liền mang sự việc khiếu nại nơi âm ty. Quan âm ty nói việc này không có gì phải khiếu tố cả, liền đưa cho tôi xem một bản ghi chép, trong đó có đủ những khoản mà kiếp trước tôi đã nợ người kia. Tôi biết được rồi thì không còn giận tức nữa. Vị quan âm ty liền cấp cho tôi một điệp văn, bảo quay trở về nhà. Nhưng lúc đi ngang qua đây thì bị đứa tớ gái của ông tạt nước trúng làm dơ bẩn điệp văn, nên không thể về nhà được nữa. Xin mau mau đền lại điệp văn cho tôi”.
Lục Chấn Cầu nói: “Điệp văn là của cõi âm, tôi biết làm sao thay thế được, nên quay lại nơi đã cấp mà xin cấp lại mới được”.
Quỷ nói: “Tôi đi đến đây rồi, phía trước là thành quách, phía sau là trạm quan canh giữ, dù muốn trở lại cũng không được”.
Lục Chấn Cầu liền hỏi: “Như vậy biết phải làm sao?”
Quỷ nói: “Trong vùng này có người tên họ ấy, ở làng ấy… có thể giúp được việc này”.
Chấn Cầu sai người đi tìm theo lời quỷ nói, quả nhiên có người tên ấy, ở làng ấy, liền mời đến nhà. Người ấy là một cụ già. Chấn Cầu đem hết sự việc kể cho cụ nghe, nhưng cụ già không biết cách cấp điệp văn, nên hướng dẫn tìm đến nhờ một đạo sĩ. Họ Lục liền bày lễ vật hoa quả cúng tế, rồi nhờ đạo sĩ viết lại điệp văn. Quỷ có được điệp văn rồi mừng lắm, hết sức cảm tạ, lại dặn người nhà phải nhanh chóng mời thầy trị bệnh cho cô cháu dâu. Lúc quỷ đã đi rồi, bỗng quay lại nói: “Nhà ông có hai con chó đang ngủ trước cửa, không ra được. Xin ông đưa tôi ra”. Lục Chấn Cầu liền đưa theo ra cửa, quỷ liền xuất ra đi mất. Người cháu dâu của Chấn Cầu sau đó dần dần khỏi bệnh.
Ai dám nói là âm dương hai đường khác biệt, lý lẽ khác nhau?
Trích An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Tin Sâu Nhân Quả
Nguyên tác Hán văn: Âm Chất Văn Quảng Nghĩa
Tác Giả: Chu An Sĩ
Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến