Đường Cao người huyện Hấp, thuộc tỉnh An Huy. Thuở còn thiếu thời, đang lúc bên đèn đọc sách đêm khuya, có người thiếu nữ đến trêu ghẹo, nhiều lần [áp mặt vào cửa sổ], liếm rách giấy dán (thời xưa không có cửa kính, người ta thường dùng giấy dán lên các cửa sổ để che chắn gió). Anh ta lấy giấy khác dán bồi chỗ ấy, nhân đó đề lên hai câu thơ:
Giấy song liếm rách dễ bồi,
Hại người thất đức vãn hồi khó thay.
Đêm nọ, có một vị tăng đi ngang qua cửa nhà Đường Cao, nhìn thấy trên cổng nhà có tấm biển lớn đề hai chữ “Trạng nguyên”, hai bên có treo hai ngọn đèn, lại thấy hai bên cổng đề hai câu thơ của Đường Cao như trên. Vị tăng thấy lạ bước vào trước sân dọ hỏi, [bỗng thấy biển, đèn đều biến mất,] mới hay những thứ ấy là [điềm báo] của thần [chứ không phải thật]. Về sau, quả nhiên Đường Cao chiếm bảng khôi nguyên, đỗ đầu trong thiên hạ.
Lời bàn:
Bên song cửa đề thơ,
Ngoài cổng đèn tự sáng.
Đạo trời cảm ứng ngay,
Như đánh trống vang tiếng.
Mao Lộc Môn (tức Mao Khôn, hiệu Lộc Môn, một nhà văn lớn vào triều Minh) quê ở Quy An, khoảng hai mươi tuổi lên đường cầu học phương xa, theo làm học trò tiên sinh Tiền Ứng Dương. Có một cô tỳ nữ lén để ý Lộc Môn, giả vờ đến phòng đọc sách của ông bắt con mèo, trong ý là muốn cùng ông dan díu. Lộc Môn nghiêm sắc mặt nói: “Tôi từ phương xa đến cầu thầy, nếu phạm vào việc không đúng lễ nghĩa, sao có thể quay về gặp mặt cha mẹ? Lại còn mặt mũi nào mà nhìn chủ nhân của cô?” Tỳ nữ ấy xấu hổ rút lui.
Về sau, Lộc Môn đỗ tiến sĩ, văn chương nổi tiếng khắp thiên hạ.
Lời bàn: Luôn nhớ đến cha mẹ, đó là nhân. Kính trọng thầy, đó là nghĩa. Giữ tiết tháo trong sạch, đó là lễ. Không bị sắc dục mê hoặc, đó là trí. Chỉ một việc không phạm vào tà dâm mà có đủ cả bốn đức lành: nhân, nghĩa, lễ, trí.
Trong khoảng niên hiệu Gia Tĩnh (thuộc triều Minh, kéo dài từ năm 1522 đến năm 1566), Lục Quỹ Trai có người con trai là Lục Trọng Tích tài hoa khác thường. Trọng Tích học với một vị thầy họ Khâu, theo thầy đến kinh thành ngụ lại.
Nhà đối diện chỗ họ ở ngụ có một cô con gái rất xinh đẹp, Trọng Tích thường nhìn trộm. Ông thầy họ Khâu biết chuyện, đã không răn cấm, lại dạy rằng: “Thành hoàng chốn kinh đô rất linh thiêng, sao con không đến cầu thần [cho được như ý nguyện]?
Trọng Tích nghe lời thầy, đến miếu Thành hoàng cúng tế cầu đảo. Đêm hôm đó, Trọng Tích đang ngủ bỗng khóc lớn vùng dậy. Mọi người kinh hãi hỏi nguyên nhân, Trọng Tích nói: “Thành hoàng kinh đô đang truy bắt hai thầy trò tôi.” Mọi người lại theo gạn hỏi, Trọng Tích khóc lóc kể lại: “Thành hoàng tra xét lại phúc lộc tước vị của hai thầy trò tôi, thấy tên tôi có ghi sẽ đậu trạng nguyên năm Giáp Tuất, còn thầy tôi thì không có phúc lộc gì. Thành hoàng đã trình tấu lên Thượng đế tước bỏ lộc của tôi, còn thầy tôi ắt sẽ tắc ruột mà chết, để cho mọi người đều thấy rõ sự trừng phạt mà tự răn mình.” Nói rồi lại than khóc bi thương, không sao ngừng được.
Ngay khi ấy, đứa nhỏ giúp việc trong quán trọ đến gõ cửa, báo tin thầy Khâu đã chết vì chứng bệnh tắc ruột. Về sau, Lục Trọng Tích quả nhiên nghèo cùng khốn khó cho đến hết đời.
Lời bàn: Chọn thầy để mời dạy học cho con phải hết sức thận trọng. Tấm gương của thầy trò họ Khâu, họ Lục cũng chẳng xa xôi gì, có thể soi vào đó để thấy rõ mà tránh.
Đang khi tuổi trẻ, có ai không muốn được giàu sang phú quý, nhưng kẻ tham dâm lại thường nghèo cùng trắng tay. Đang khi tuổi trẻ, có ai không muốn đỗ đạt, công danh rộng mở, nhưng kẻ tham dâm lại thường đi vào bế tắc trắc trở. Đang khi tuổi trẻ, có ai không muốn ngày sau được sống thọ dài lâu, nhưng kẻ tham dâm lại thường chết yểu. Đang khi tuổi trẻ, có ai không muốn sinh con yêu quý, nhưng kẻ tham dâm lại thường không con nối dõi. Một ngày hưởng thói phong lưu ong bướm mà phải khốn khổ suốt đời. Người có chí khí không thể đem tấm thân hiếu dưỡng cha mẹ, bảo bọc vợ con mà mê đắm vào chuyện ong lơi bướm lả trong nhất thời. Các bạn trẻ phải biết sợ sệt, hết sức thận trọng đối với việc này.
Trích An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Bỏ Sự Tham Dục
Nguyên tác Hán văn: Dục Hải Hồi Cuồng
Tác Giả: Chu An Sĩ
Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến