Vào đời Thanh, niên hiệu Khang Hy năm thứ hai, có một chiếc thuyền đánh cá neo đậu dưới chân núi Tiểu Cô, trong đêm chợt nghe tiếng thần núi ra lệnh cho quỷ tốt rằng: “Ngày mai có hai thuyền chở muối đến, hãy bắt lấy”.
Đến sáng, quả nhiên thấy có hai chiếc thuyền đi đến, lập tức thấy bão táp sóng gió nổi lên, hai chiếc thuyền bị xô đẩy rất dữ, có nhiều lúc tưởng như đã chìm mất. Nhưng rồi qua một hồi lâu, thấy sóng yên bể lặng, cả hai chiếc thuyền đều bình an không việc gì.
Đêm ấy, thuyền đánh cá vẫn neo chỗ cũ, lại nghe được tiếng thần núi quở trách quỷ không vâng lệnh. Nghe quỷ đáp rằng: “Chúng tôi đến đó định bắt lấy, thì một thuyền phía sau có Đại sĩ Quán Âm, một thuyền phía trước có Đại sĩ Tam Quan, vì thế chúng tôi không dám đến gần”.
Hôm sau, người trên thuyền đánh cá mang chuyện ấy đến hỏi những người trên thuyền chở muối, nhưng không ai tin cả. Bỗng có người suy nghĩ hồi lâu rồi chợt nhớ ra liền nói: “Trên thuyền của chúng tôi có một người sau lái trì Quán Âm trai [1], lại có một người ở đầu thuyền trì Tam Quan trai [2]”.
Trích An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Bỏ Sự Giết Hại
Nguyên tác Hán văn: Vạn Thiện Tiên Tư
Tác Giả: Chu An Sĩ
Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến
[1] Quán Âm trai hay Quán Âm trai kỳ gồm 22 ngày ăn chay trong năm như sau: (1) mồng 8 tháng giêng, (2) mồng 7 tháng 2, (3) mồng 9 tháng 2, (4) 19 tháng 2, (5) mồng 3 tháng 3, (6) mồng 6 tháng 3, (7) 13 tháng 3, (8) 22 tháng 4, (9) mồng 3 tháng 5, (10) 17 tháng 5, (11) 16 tháng 6, (12) 18 tháng 6, (13) 19 tháng 6, (14) 23 tháng 6, (15) 13 tháng 7, (16) 16 tháng 8, (17) 19 tháng 9, (18) 23 tháng 9, (19) mồng 2 tháng 10, (20) 19 tháng 11, (21) 24 tháng 11, (22) 25 tháng 12.
[2] Tam quan trai: phép ăn chay gồm 3 ngày trong năm: (1) mồng 7 tháng giêng (Cử thiên thưởng hội trai), (2) mồng 7 tháng 7 (Khánh sinh trung hội trai), (3) mồng 5 tháng 10 (Kiến sinh đại hội trai).