Triều Thanh, vào năm đầu tiên niên hiệu Khang Hy [1662] gỗ đàn hương rất có giá. Quận Tô có một hiệu buôn gỗ hương, bỏ ra 3 lượng bạc thỉnh về một pho tượng Bồ Tát Quán Thế Âm. Sau đó suy nghĩ tính toán rằng, nếu phá pho tượng này ra để bán gỗ vụn thì có thể được 16 lượng, liền chuẩn bị chẻ tượng ra. Có một người thợ sợ làm như vậy mang tội nên hết sức can ngăn, nhưng đứa con rể của ông chủ hiệu buôn lúc đó đến đón vợ, đang ở tại nhà cha vợ, liền chỉ mặt người thợ ấy mà nói: “Mày chỉ là người làm công, đâu phải việc của mày. Cứ nghe lời mà làm đi.”
Đêm hôm đó, người con gái của chủ hiệu buôn bỗng đau bụng không thể về nhà, phải ở lại ba hôm để trị bệnh. Qua hôm sau, trên đường phố có một đứa bé khoảng sáu tuổi đang đi theo cha, bỗng chỉ tay về phía hiệu buôn gỗ hương, hỏi cha: “Cha ơi, sao trên nóc nhà kia lại có niêm phong màu đỏ phong kín thế?” Người cha cho rằng đứa bé nói bậy nên cấm không cho nói nữa.
Đêm ấy, hiệu buôn gỗ hương bỗng tự nhiên phát hỏa, lửa thiêu duy nhất một nhà ấy thôi, cả nhà không ai sống sót. Đứa con rể của chủ hiệu định nhảy ra từ một lỗ thoát trên tầng lầu, nhưng bỗng thấy như có vật gì ngăn giữ lại, cuối cùng phải chịu chết trong lửa. Riêng người thợ làm công, ngay buổi sáng sớm hôm trước đó bỗng có một hiệu buôn trầm hương khác đến khẩn thiết mời sang giúp họ hai hôm, nhờ thế mà thoát khỏi nạn này.
Lời bàn: Hủy hoại tượng Phật, làm thân Phật chảy máu, là một trong 5 tội nghịch phải đọa vào địa ngục vô gián. Vì thế, nếu thấy việc như vậy mà không khuyên can ngăn cản, ắt sẽ gặp nạn dữ vào thân, còn nếu khởi dù một chút tâm lành, liền được thiện thần bảo vệ. Chỉ do tâm niệm của đứa con rể ông chủ hiệu buôn gỗ hương và người thợ làm công kia hoàn toàn khác nhau, nên một người vốn đang muốn rời khỏi hiệu buôn ấy để về nhà, nhưng lại khiến cho không về được; một người vốn không có ý muốn rời khỏi hiệu buôn ấy, nhưng lại khiến cho phải rời đi để tránh tai họa. Quả thật là: “Họa với phúc vốn không định sẵn, chỉ do người tự chuốc lấy mà thôi.”
Trích An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Tin Sâu Nhân Quả
Nguyên tác Hán văn: Âm Chất Văn Quảng Nghĩa
Tác Giả: Chu An Sĩ
Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến