Huyện Gia Thiện thuộc tỉnh Chiết Giang có một nho sinh họ Chi, vào mùa xuân năm Kỷ Dậu thuộc niên hiệu Khang Hy (năm 1669), một hôm bỗng nói với người bạn họ Cố rằng: “Sao tôi bỗng nhiên thấy tinh thần hoang mang hoảng hốt, dường như có oan hồn báo oán đang đi theo tôi”.
Tiếp đó họ Chi liền ngã bệnh. Vì thế, người bạn họ Cố liền thỉnh một vị tăng là Pháp sư Tây Liên đến thưa hỏi. Lúc ấy họ Chi bỗng phát ra tiếng nói từ trong bụng như tiếng hồn ma, nói rằng: “Tôi trước đây vốn là một viên phó tướng hồi đầu triều Minh, họ Hồng tên Thù. [Tên họ Chi này khi ấy là] chủ tướng của tôi, họ Diêu, thấy người vợ họ Giang của tôi xinh đẹp liền khởi tâm tham muốn. Nhân khi ấy có một nơi kia làm phản, liền sai tôi đi chinh phạt [nhưng cố ý chỉ] giao cho bảy trăm tên lính già yếu. [Do quân binh yếu ớt], tôi không đủ sức dẹp loạn, phải bỏ mạng cùng cả đám quân sĩ ấy. Họ Diêu liền chiếm lấy vợ tôi, nhưng nàng [không thuận nên] treo cổ tự vẫn. Tôi ôm mối thù sâu nặng đó quyết đi theo báo oán. Nhưng họ Diêu thuở ấy đến tuổi già xuất gia tu hành, đời sau đó sinh ra thành một vị cao tăng, đời tiếp theo lại làm một vị đại học sĩ trong Hàn lâm viện, đời thứ ba lại làm một vị tăng giới hạnh, đời thứ tư sinh làm người hết sức giàu có, ưa thích bố thí, nên không một đời nào tôi có thể báo oán được cả. Nay là đời thứ năm, kẻ oan gia này của tôi lẽ ra đã được thi đỗ liên tiếp cả hai khoa thi, nhưng vì vào năm ấy trổ tài văn chương hý lộng, hại chết bốn người thương gia buôn trà, bị trời cao tước lộc, không cho thi đỗ nữa. Vì thế hôm nay tôi đến đây báo oán”.
Pháp sư Tây Liên nghe lời hồn ma kể rõ ngọn ngành, liền khuyên bảo [nên buông bỏ oán cừu,] hứa sẽ vì hồn ma mà tụng kinh lễ sám. Hồn ma liền chấp nhận. Người nhà thỉnh Pháp sư Tây Liên tụng kinh lễ sám, hóa giải oán cừu. Quả nhiên, không bao lâu họ Chi khỏi bệnh.
Sau đó một thời gian, họ Chi lại phát ra tiếng nói trong bụng như hồn ma. Pháp sư Tây Liên liền quở trách. Hồn ma nói: “Tôi nương nhờ Phật lực đã được siêu sinh, quyết không trở lại. Nay đến đòi mạng ông Chi chính là bốn người thương gia buôn trà bị ông ấy hại chết trước đây, thật không phải tôi. Vì sợ thầy trách tôi không giữ lời hứa nên mới đặc biệt trở lại đây nói rõ”. Nói xong liền đi mất. Chỉ trong chốc lát, họ Chi phát bệnh, chưa được hai ngày thì qua đời.
Lời bàn: Kinh Phật dạy rằng: “Dù có trải qua trăm ngàn kiếp, những nghiệp đã tạo ra đều không tự nhiên tiêu mất. Khi có đủ nhân duyên gặp nhau thì những quả báo của việc mình làm đều phải tự mình nhận lấy”. Việc đền trả một món nợ đã vay trước đây hai, ba trăm năm, so [với thời gian trăm ngàn kiếp] cũng không phải là quá xa xôi.
Trích An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Bỏ Sự Tham Dục
Nguyên tác Hán văn: Dục Hải Hồi Cuồng
Tác Giả: Chu An Sĩ
Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến