Vào triều Minh, đất Dự Chương (nay là Nam Xương thuộc Giang Tây) có một thư sinh tên là Nhiêu Thường. Một hôm giữa đường gặp một người cùng quẫn phải bán vợ cho người khác mang đi phương xa, đang lúc vợ chồng từ biệt nhau khóc lóc thảm thiết. Nhiêu Thường động lòng thương, gạn hỏi số tiền người kia đang cần là bao nhiêu, rồi lập tức về nhà bán ruộng mang tiền đến giúp. Nhờ đó mà vợ chồng người kia lại được đoàn tụ.
Đến khoa thi năm đó, vị quan chủ khảo bỗng nhiên nằm mộng thấy một vị thần mặc áo giáp vàng hiện ra bảo rằng: “Vì sao ông lại không chấm đậu cho kẻ bán ruộng giúp người kia?” Quan chủ khảo giật mình tỉnh giấc, lập tức kiểm lại thì quả nhiên phát hiện mình đã bỏ sót một quyển bài thi, bèn mang ra chấm. Bài thi ấy trúng tuyển, được xếp thứ ba, chính là bài thi của Nhiêu Thường. Đến khi dự yến tiệc mừng các vị tân khoa, quan chủ khảo được biết việc Nhiêu Thường bán ruộng giúp người, qua đó mới hiểu được lời của thần nhân trong mộng.
Về sau, Nhiêu Thường có 3 người con trai là Cảnh Huy, Cảnh Diệu, Cảnh Vỹ, đều nối tiếp nhau đỗ đạt.
Lời bàn: Tiền tài ruộng đất, người đời đều quý tiếc như mạng sống của mình, nhưng trong kinh Phật luôn ví những thứ ấy như bóng trăng trong nước, như dáng hoa trong gương, như châu báu trong giấc mộng. Vì sao vậy? Bởi vì trước mắt chỉ tạm thời ôm giữ sử dụng, một mai khi từ bỏ cõi đời sẽ không thể mang theo được gì. Ngày nay, mỗi khi viết giấy bán ruộng đất hẳn đều phải ghi rằng: “Thuận theo giấy làm bằng, vĩnh viễn làm chủ tài sản này.” Than ôi, tài sản hóa ra là chủ, mà thân này chỉ là khách tạm. Chủ nhân còn không thể vĩnh viễn lưu giữ được khách, huống chi là khách làm sao có khả năng giữ mãi được chủ? Nhưng nếu như quả thật muốn mang theo sau khi chết thì vẫn có cách để mang theo. Ấy là hãy dùng tài sản mà làm việc thiện, bố thí giúp người, tạo được phước đức thọ sinh trong cõi trời người, ắt sẽ luôn giữ được sự an ổn, giàu có, tôn trọng, hiển vinh. Hiểu rõ được điều ấy ắt thấy rằng việc Nhiêu Thường bán ruộng giúp người, hóa ra chính là cách để giữ gìn sản nghiệp.
Người nào biết giữ gìn sản nghiệp theo cách đó mới có thể nói là “vĩnh viễn làm chủ tài sản này”. Hơn nữa, ai ai cũng có thể làm được như vậy cả.
Trích An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Tin Sâu Nhân Quả
Nguyên tác Hán văn: Âm Chất Văn Quảng Nghĩa
Tác Giả: Chu An Sĩ
Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến