Người tu mượn cảnh để làm sống dậy tâm, nhìn nước trong mát, lòng ta mát theo là tâm thủy hay nước và tâm trở thành một. Tất cả Thiền sư đều có đời sống theo ý nghĩa Tâm thủy.
Thật vậy, nước không có hình dáng cố định, đựng vô ly thì có hình dáng của ly, để vô tô thì ra hình tô. Tâm người tu là nước, nên cũng không có khuôn cố định, ở đâu cũng được, gọi là tùy duyên. Người đời thường nói ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, người tu tùy hoàn cảnh, tùy duyên mà sống; nếu muốn khác hơn, phiền não sanh ra liền. Quan trọng của người tu là biết cách tiếp thu không khí để giúp cho cơ thể khỏe mạnh. Rõ ràng không khí là thức ăn và hơi thở là sức sống chính của con người.
Ngoài ra, tâm người tu là Tâm thủy, nên đòi hỏi chúng ta phải có tâm dung hóa, sống hài hòa được với mọi người, mọi chỗ, tùy theo yêu cầu của người, đáp ứng lợi lạc cho họ, còn bản thân mình là nước trong, không cần gì. Được như vậy, mới có thể hành đạo dễ dàng.
Đức Phật nhắc các Tỳ-kheo vào làng cũng giống như vậy, ta không làm trở ngại việc của người và ngược lại, người cũng không làm vướng bận lòng ta, không phá hư được việc của ta. Luyện cho tâm ta như mây, như nước. Cái gì của trần thế bay qua rồi, trả lại cho trần thế, không tác động nhơ bẩn tâm ta. Tâm ta trong sạch, hoan hỷ tưới mát cho người bớt oi bức khổ đau, lo sợ. Quán sát và điều chỉnh tâm cho được nhẹ nhàng như mây, trong mát như nước để chúng ta tiến tu, phát huy đời sống tâm linh.
Hoặc quán sát hòn đá tiêu biểu cho người tu có tánh gan dạ, có sức chịu đựng mọi thử thách. Ở chùa Huê Nghiêm, tôi đặt các hòn đá trên bãi cỏ, mang ý nghĩa người tu phải có gan như đá, phải bị lăn, muốn lăn đâu thì lăn, nhưng đá vẫn là đá hay tư chất của thầy tu không thay đổi, dù trải qua biết bao thử thách trên nhân gian.
Người tu sống trong cuộc đời, nếu không đủ gan, không vượt khó, không thể thành công việc lớn, vì cuộc đời này đủ thứ quái ác, lắm việc phiền hà, không đơn giản. Tuy nhiên, hòn đá của thầy tu phải không có góc cạnh, tức không làm phiền ai, không chống chỏi ai. Hòn đá đặt trong bể nước hay trên bãi cỏ trần gian nhắc chúng ta nhớ đến quá trình hành đạo của Thiền Tổ chất đầy sự chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ, mới giữ vững được Phật pháp sống còn dài lâu.
Đó là cách tu tạo cảnh, để luyện tập phát huy đời sống tâm linh theo hướng thánh thiện. Tùy theo hoàn cảnh và năng lực riêng của chính mình, mỗi người tự cân nhắc pháp tu tương ưng, thăng hoa trí tuệ và đức hạnh. Dùng trí tuệ và đức hạnh tu tạo được làm hành trang trên lộ trình giáo hóa người, đến nơi nào cũng đem an vui, lợi ích cho người, xứng đáng là đệ tử Phật, thay Ngài hiện hữu trên cuộc đời, mang an lạc cho chúng hữu tình.