Nghĩ đến việc cứu hộ động vật và làm hại động vật đều có báo ứng, nên tôi quyết định viết chuyện này ra, cho người sơ học hiểu thêm.
Từ lúc tôi bái sư đến thời điểm đó tính ra đã là mùa đông thứ hai. Lúc này Hòa thượng Diệu Pháp đang ngụ tại nhà tôi. Ngày nọ cô tôi từ Tây An gọi điện tới, kể rằng: nửa tháng trước do trên đường bị tuyết đóng băng, cô đi đến xưởng làm, sơ ý bị té gãy chân phải, được bạn bè đưa vào bệnh viện. Lúc nằm trên giường mổ mới phát hiện các đồng nghiệp trong xưởng (tính luôn cô) tổng cộng là 7 người (thảy đều bị thương) phải nhập viện. Trừ một người nứt xương hông ra, những người khác đều bị gãy xương bánh chè.
Thời đó thuốc men khan hiếm, sau khi mổ xong, bác sĩ nói chân cô khó mà hồi phục hoàn toàn, tương lai sẽ bị tật. Vì vậy cô rất khổ tâm.
Ba ngày sau cô xuất viện về nhà dưỡng thương. Lúc đó cô mới hơn 40 tuổi, thầm nghĩ “Nếu như thành người tàn phế, thì thực khó kham!”… Cô tuyệt chẳng biết việc học Phật của tôi, càng không quen Hòa thượng Diệu Pháp. Chẳng qua vì khổ quá, nên mới gọi điện kể lể với tôi. Bởi lúc tôi trò chuyện thì sư phụ cũng đang có mặt, vì vậy tôi cố ý nói to, lặp lại tình huống của cô, mục đích là để cho sư phụ nghe. Sau đó tôi kể cho cô nghe nhân duyên giữa tôi và sư phụ. Tôi vừa nói thì cô tin ngay, liền thỉnh cầu xin sư phụ khai thị cho. Thế là tôi chuyển điện thoại cho sư phụ.
Sư phụ hỏi cô:
– Bốn năm trước con đã từng cứu và băng bó cho một con bồ câu trắng bị gãy xương chân phải không?
Cô nghe vậy thì rất hưng phấn, tôi đứng kế bên nghe được như sau:
– Dạ có, thưa sư phụ! Bốn năm trước con đến nhà chị đồng nghiệp, vừa vào sân thì thấy có mười mấy con bồ câu đang vây quanh một con bồ câu đi khập khiễng, con hiếu kỳ tiến lại gần xem, thấy con bồ câu nọ bị gãy chân, con bèn kêu chị bạn tới và vội bế con chim lên, chúng con cùng quan sát, hiểu ra con chim bị trúng đạn (do ná bắn), bèn rạch chân nó cho chảy mủ, tiêu độc… rồi dùng rượu và cao dán băng bó cái chân giúp nó, sau đó còn chuốc cây làm nạng tháp vào cho chim đi đỡ. Cuối cùng thì chân con chim này cũng được lành. Sư phụ! Ngài thật tài, có thể biết việc mấy năm trước của con… Việc này có liên quan đến cái chân gãy của con ư?
Sư phụ lại hỏi:
– Có phải con ưa ăn gà nướng, hơn nữa rất ưa dùng đùi gà và khoái gặm chân, móng nó?
– Dạ phải, con rất ưa!
– Con ra chợ mua gà về, dù nó đã bị giết, nhưng cũng chính bản thân con tại nhà bếp khai đao mổ bụng… chặt chân gà ra, hầm, nấu, chưng rim… Vì nguyên nhân này nên con bị gãy xương đùi, đây gọi là ác hữu ác báo. Nhưng nhờ con đã từng cứu chữa cho con bồ câu gãy chân, giúp nó lành bệnh, cho nên vết thương con sẽ không lưu di chứng, cứ chịu khó tập chống nạng đi, dần dần sẽ hồi phục…
Cô tôi vui mừng hỏi:
– Do con ưa ăn, chặt… chân gà nên lãnh quả báo bị gãy chân, thế con mổ bụng nó, tương lai chẳng phải cũng bị y viện mổ bụng sao?
Sư phụ cười bảo:
– Con tỉnh giác rất mau, bảo Quả Khanh gửi cho con mấy cuốn sách Phật giáo mà đọc…
Đó là câu chuyện có thực của cô tôi, chân cô sau đó cũng hồi phục mạnh khỏe.
Trích “Báo ứng hiện đời “- Quả Khanh
Hạnh Đoan dịch thuật