Chuyện nhân quả - vãng sanh

Chịu ô uế thanh danh để cứu người

Chịu ô uế thanh danh để cứu người
Xưa có thầy thuốc họ Ngụy tinh thông y thuật, lại thường thích làm điều thiện. Phàm là những người đến mời ông chữa bệnh, bất luận bần cùng nghèo túng hay phú quý giàu sang, ông đều tận tâm chữa trị, không cầu báo đáp.
Đối với người bệnh vô cùng nghèo khổ, ông còn quyên tặng tiền bạc và thuốc thang. Nếu là người nhà quê đến thành phố tìm ông khám bệnh, ông đều sẽ đầu tiên để họ uống ít cháo, ăn chút bánh. Đợi họ ăn xong mới bắt đầu chẩn mạch.
Một hôm, có một gia đình mời ông đến khám bệnh. Sau khi khám bệnh, gia đình này phát hiện trong nhà mất 10 lạng bạc. Con trai người bệnh nghi ngờ ông Ngụy đã lấy trộm, nhưng lại không dám chất vấn trước mặt thầy thuốc.
Có người dạy anh ta cầm một nén hương đến quỳ trước cửa nhà thầy thuốc. Ông Ngụy thấy anh ta như vậy, khó hiểu hỏi: “Anh làm gì vậy?”.
Con trai người bệnh liền kể lại về việc mất ngân lượng. Ông mời anh ta vào phòng riêng và nói: “Xác thực việc này là có. Tôi tạm thời lấy vì việc khẩn cần gấp, vốn là dự tính ngày mai khi khám bệnh sẽ lại lặng lẽ trả lại. Hôm nay anh đã hỏi ra, có thể lấy ngay về. Nhưng xin anh đừng nói cho người ngoài biết!”
Nói xong, ông liền đưa anh ta 10 lạng bạc. Chẳng mấy chốc những lời gièm pha thầy thuốc Ngụy đã lan ra khắp vùng.
Chẳng bao lâu sau bệnh nhân đã khỏi bệnh. Một ngày nọ, hai cha con dọn dẹp giường ngủ bất ngờ phát hiện gói bạc dưới tấm đệm, trong lòng kinh động, rồi ân hận thốt lên: “Thì ra không bị mất bạc, chúng ta đã hại lầm thầy Ngụy rồi. Chúng ta phải đứng trước dân chúng mà trả lại tiền cho thầy Ngụy, không thể để ông chịu oan ức được nữa!”
Vì vậy hai cha con cùng nhau đến trước cửa nhà lão thầy thuốc, hai tay lại cầm cây hương quỳ trước cửa. Lão thầy thuốc trông thấy, cười nói: “Hôm nay lại vì điều chi à?”
Hai cha con họ hổ thẹn nói: “Bạc không bị mất, là chúng tôi trách lầm thầy, thật là đáng chết. Hôm nay chúng tôi đến để trả lại bạc cho tiên sinh. Thằng nhỏ vô tri, tùy ý tiên sinh đánh chửi!”
Lão thầy thuốc vừa cười vừa nâng hai cha con dậy, nói: “Có gì đâu? Không cần để nó trong lòng !”.
Cậu con trai người bệnh lúc đó liền hỏi ông: “Vì sao thầy cam lòng chịu nhục cũng không tranh biện?”
Ông cười đáp: “Cha ngươi và ta là người làng xóm, ta từ trước đến nay vốn biết ông ta cần kiệm, quý tiếc tiền bạc. Khi đó ông ta đang ốm nặng, nghe nói mất 10 bạc, bệnh tình ngược lại sẽ càng thêm nặng, thậm chí sẽ không khỏi. Cho nên ta thà mang gánh chịu ô nhục, mà để cha ngươi biết mất bạc đã tìm được, đem đau buồn chuyển thành vui vẻ, bệnh tự nhiên sẽ khỏi !”.
Nghe tới đây, hai cha con lại một lần nữa quỳ xuống khấu đầu: “Cảm tạ hậu đức của tiên sinh, không tiếc tự ô uế thanh danh của mình để cứu sống tôi. Tôi nguyện kiếp sau làm trâu làm ngựa để báo đáp đại ân đức của tiên sinh!”
***
Làm người, đều cần coi trọng chữ Đức, Mạnh Tử nói: “Người không có liêm sỉ thì không phải là con người”. Nhất là người làm nghề y dược với sứ mệnh cứu người giúp đời thì càng cần đề cao đạo đức, tuân theo y đức.
Thế nên, nếu người không đủ đức thì tốt nhất là chuyển nghề, chớ làm ngành y dược. Thiếu đức mà làm nghề y dược thì gây tai họa lớn cho mọi người và cộng đồng, cũng tạo tội nghiệp lớn cho bản thân và người nhà, hại người hại mình mà không tự biết…!
St
Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *