Dù Thế Tôn ở nơi đâu, vẫn là Tôn giả La Hầu La âm thầm ẩn mình dõi theo từng bước chân của Thế Tôn…
Hằng ngày, Thế Tôn tọa Thiền và đi kinh hành bên bờ suối nhỏ. Khi trở về, đồ ăn đã được chuẩn bị trên phiến đá. Thế Tôn thọ thực rồi lấy bình nước đã được sắp sẵn để rửa tay. Mỗi khi Thế Tôn rời đi, Ngài La Hầu La lại dặn dò các thám tử đến quét dọn lại chỗ nằm nghỉ, giặt sạch tấm Y, thay những thảm cỏ mới trên tòa ngồi của Người. Xế chiều, các thám tử lấy nước từ những khe đá, hái thêm các lá thơm rồi nấu thành nước tắm để Thế Tôn tiện dùng.
Tôn giả luôn dõi theo từng việc của Thế Tôn với lòng kính thương vô bờ bến. Mật hạnh của Ngài, đôi lúc có những phút giây hạnh phúc và thiêng liêng như thế.
Hơn 45 năm Thế Tôn chuyển bánh xe Pháp, Tăng đoàn vẫn luôn là mái ấm tâm linh yên bình nhất. Mỗi sáng nắng vẫn vàng trên các mái am tranh, và tối đến bầu trời tĩnh lặng khi các vị Tỳ kheo tọa Thiền. Thế nhưng, đằng sau sự bình yên đó là biết bao nỗi vất vả, sự hi sinh và cả tấm lòng của vị Hộ Pháp. Hằng đêm, trong góc rừng gần tinh xá, thấp thoáng một vị Tôn giả vẫn đang miệt mài luyện tập những thế võ hay bàn kế hoạch với các thám tử, tấm y trên người Ngài sậm màu lại vì mồ hôi đẫm ướt. Và còn biết bao giọt mồ hôi của sự vất vả, khó nhọc đã đổ xuống nhưng không một ai biết đến khi Ngài phải đương đầu với những mưu toan của ngoại đạo. Những mưu toan được nung nấu bởi đầy thị phi, gian trá và cả gươm đao. Trọng trách quá lớn lao, nặng trĩu trên vai không thể tỏ bày hay chia sẻ, chỉ có thể gánh lấy rồi mang hết tâm sức mình mà thực hiện. Bởi Mật hạnh phải được thành tựu trong thầm lặng và chính bởi thầm lặng nên mới càng cao quý.
Trích cuốn “Thánh Độ Mệnh – Tôn giả La Hầu La” – Thượng tọa Thích Chân Quang.