Trong lục đạo luân hồi theo nhà Phật (Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, Người, A Tu La, Trời) thì cõi trời là cảnh giới có phước báo thù thắng nhất. Người được sanh về cõi trời (được gọi là chư Thiên, dân gian hay gọi là Tiên) thì sống lâu, đẹp đẽ và thụ hưởng những điều kiện tối ưu của đời sống tùy theo ý muốn. Chính vì vậy mà đối với nhiều tôn giáo trên thế giới, cõi trời là mục đích hướng đến trong quá trình tu tập.
Riêng đối với đạo Phật thì có khác một chút, Phật giáo chủ trương thành tựu tuệ giác, chấm dứt sinh tử, tức là về Cực lạc, Niết bàn chứ không phải cõi trời. Tuy nhiên, với những ai chưa đầy đủ duyên lành, phúc đức để thành tựu Niết bàn thì cũng tu tập phước thiện để được tái sinh vào cõi trời. Rồi từ cõi trời tiếp tục phát Bồ đề tâm để tu tập đến giải thoát khỏi luân hồi.
Trong kinh Tăng Chi Bộ III thuộc bộ Kinh tạng Nikaya, đức Phật đã nói về 8 điều này trong một phẩm kinh.
Lời dạy đó được ghi lại trong kinh như sau: “Một thời nọ, đức Phật trú tại Kosambi. Lúc bấy giờ, Tôn giả Anuruddha đang ngồi thiền định thì rất nhiều Thiên nữ đi đến thưa Tôn giả: Chúng tôi là những Thiên nữ với thân hình khả ái. Trên cả ba lĩnh vực, chúng tôi có quyền lực và tự tại.”
“Thưa Tôn giả, chúng tôi muốn có hình sắc, tiếng hay và lạc thọ như thế nào thì ngay lập tức liền được hình sắc, tiếng hay và lạc thọ như thế ấy.”
Rồi Tôn giả Anuruddha xuất thiền, đi đảnh lễ kể lại và bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, phải thành tựu bao nhiêu pháp thì nữ nhân sau khi thân hoại mạng chung mới được sinh về ở chung với các Thiên nữ khả ái đó?
Phật dạy:
Này Anuruddha, phải có đầy đủ tám pháp, thế nào là tám?
Ở đây:
- Nữ nhân đối với chồng ngủ sau, dậy trước, vui vẻ với công việc, xử sự đẹp lòng, nói lời dễ thương.
- Người chồng kính trọng Sa môn, Bà la môn thì nữ nhân ấy cũng kính trọng, cúng dường;
- Phàm tất cả việc nhà phải thông thạo, phải biết phương pháp làm hay phải biết sắp đặt người làm;
- Trong nhà người chồng, nếu có nô tỳ, nhân công thì nữ nhân phải biết quản lý, sắp xếp công việc và phải quan tâm đến đời sống của họ;
- Tài sản chồng làm ra, nữ nhân phải biết gìn giữ, bảo vệ không để hao phí, mất mát;
- Nữ nhân quy y Tam bảo;
- Nữ nhân giữ gìn ngũ giới;
- Nữ nhân sống với tâm rộng rãi, ưa thích bố thí.
Nếu thành tựu tám pháp này, nữ nhân sau khi thân hoại mạng chung, được sinh về ở chung với các Thiên nữ khả ái.”
Xem qua tám lời Phật dạy nữ nhân, rõ ràng đó không phải là những giáo lý gì đó cao siêu mà trái lại đặc biệt gần gũi trong đời sống thế tục hằng ngày của người phụ nữ. Mang thân nữ nhân, đời nào cũng vậy, họ có thiên chức là làm vợ, làm mẹ. Cho nên ngay những lời dạy đầu tiên trong 8 điều lành, đức Phật đã nhắc ngay đến thiên chức đó, nữ nhân với vai trò một người vợ.
Phật dạy, nữ nhân làm vợ thì phải hướng đến là một người vợ hoàn hảo cả về tình yêu, lòng chung thủy, phải đầy đủ phẩm hạnh, có trách nhiệm, biết hy sinh, khéo léo, tận tụy, đảm đang. Hay nói cách khác, đó là nữ nhân có đầy đủ “tứ đức” công dung ngôn hạnh.
Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở vai trò người vợ tốt trong gia đình thì chưa đủ, bởi muốn có đủ phước báo để sinh về cõi tiên thì nữ nhân còn phải biết tu tập. Cụ thể ở đây là phải biết nương tựa Tam bảo, giữ gìn năm giới (không sát sanh, không trộm cắp, không uống rượu, không nói dối, không tà dâm) để thành tựu nhân cách người nữ cư sĩ.
Và đặc biệt là nữ nhân phải thực hành hạnh bố thí, mở rộng tâm từ bi, hỷ xả và vị tha. Đây chính là những nhân lành cần thiết để thành tựu phước báo sinh về các cõi thiên.
Cũng cần thiết phải nói thêm rằng, không phải khi nữ nhân thực hành 8 điều này thì phải đợi đến khi quá vãng mới được sinh thiên mà ngay trong đời sống hiện tại, họ cũng sẽ được hưởng hạnh phúc, an lành không khác gì ở trên tiên giới. Bởi tám điều Phật dạy chính là phương tiện để mỗi người phụ nữ đem đến hạnh phúc, an vui cho gia đình mình và chính bản thân mình!