Người xưa có câu:
Đạo cao long hổ phục.
Đức trọng quỷ thần khâm.
Nghĩa là: người tu hành có đạo đức cao thượng, tôn quý, khiến thiên long quỷ thần cảm động, tự nhiên đến ủng hộ.
Ví dụ, một vị đạo cao đức trọng đi qua một đoạn đường hay xảy ra tai nạn. Vị này khởi tâm thương xót, rồi chú nguyện cho mọi người được an lành. Trước cái uy của một vị giới hạnh trong sạch khiến cho quỷ thần, Thổ thần cũng phải kính phục và gia hộ cho tất cả những ai đi qua con đường đó được may mắn.
Tại sao vị đó giữ giới mà có uy đức như vậy? Bởi vì đây là sự chiến đấu cả một đời vất vả chứ không phải sơ sơ mà thành được. Mà để có thể giữ được giới hạnh trong sạch, ta nhớ là phải tu cả ba môn vô lậu học đầy đủ Giới – Định – Tuệ thì mới thành tựu được Giới Châu. Lúc đó, giới thực sự trở thành điều thánh thiện, điều mầu nhiệm trong cuộc đời của một tu sĩ, của một vị Tỳ kheo.
Ví dụ, có người không tu đồng hành tam vô lậu học mà chỉ chuyên trì luật, thì hễ gặp chuyện gì cúng sẽ bắt bẻ. Vừa bước xuống chánh điện, người đó nhìn xuống chân một người khác rồi nói: “Xin lỗi, mời anh ra sắp lại đôi dép”. Hoặc, vừa bước chân ra, áo hơi xốc xếch, ông nói: “Anh chỉnh áo lại.” khiến mình không có niềm vui trong sự tu hành. Tại sao? Vì thiếu định, thiếu tuệ. Còn giới mà trong tay người có định, có tuệ sẽ trở thành tình yêu thương, bao dung, tha thứ. Những vị đó giữ giới nhưng không trở thành sự cố chấp, họ dạy mình điều đúng điều sai, nâng đỡ mình lên trong tình yêu thương, làm cho mình ấm áp. Mình thấy lỗi và hạnh phúc để sửa lỗi.
Ví dụ, hôm đó mình lỡ nổi nóng với huynh đệ. Vậy là mình đã phạm giới. Người ta chỉ lỗi mình phải hoan hỷ lắng nghe. Nhưng vì mình tự ái nên cãi lại và bị Thầy gọi lên để la rầy trách phạt. Nếu Thầy của mình là người trì luật, ông sẽ rầy mắng, nhiếc móc rất nặng nề khiến mình đau khổ, buồn tủi vô cùng.
Nhưng nếu Thầy trì luật mà có đủ cả Giới – Định – Tuệ, ông sẽ phân tích cho mình thấy cái lỗi đó nguy hiểm thế nào, gây quả báo ra sao. Rồi Thầy răn dạy: “Từ đây, khi mà sư huynh rầy con, con phải hết sức hoan hỷ, vui mừng, biết ơn và quỳ xuống lạy sư huynh chứ không được đứng mà cãi. Làm như thế sẽ gây tổn thương đạo nghiệp của con, mà tổn thương cả tình huynh đệ trong chùa”. Nghĩa là, mỗi lời dạy của ông, mình thấy cả một trời yêu thương trong đó. Vì ông nói bằng lòng từ bi, yêu thương của một người đủ giới, đủ định, đủ tuệ nên mình mềm lòng ra. Và đó là sự trì giới chân thật.
Trích sách “Tam Vô Lậu Học” – TT. Thích Chân Quang.