Đôi phu thê này người chồng năm nay 29 tuổi, vợ anh 32 tuổi. Con họ bị thầy thuốc chẩn đoán là bại não. Hiện nay bé được 4 tuổi, trông rất thông minh và xinh đẹp.
Trí tuệ, và số đo IQ vượt xa những trẻ lớn tuổi hơn nó rất nhiều. Thí dụ như bạn chơi trò biến hóa ảo thuật với bé, giấu vật gì đó, bé không những biết bạn đang lừa nó, mà lập tức có thể tìm ra vật bạn đang giấu. Khi đi đường, bé rất nhút nhát vì không thể giữ thăng bằng, phải nhờ người lớn dắt mới có thể đi được. Hiện bé vẫn còn đang cố gắng luyện tập, nhưng tiến triển như vậy so với lời bác sĩ đã tuyên bố: “Em bé này sẽ không thể ngồi được” thì quả là tiến bộ rất xa.
Bé có thể nói được các từ đơn giản với ba, mẹ, ông, bà….Hễ đói thì em kêu ba mẹ, hoặc vỗ bụng, chỉ vào miệng mình. Khi muốn đại tiểu tiện thì bé kêu ba mẹ hoặc diễn tả bằng động tác. Hay là ban đêm bé ngủ cũng không hề tiểu tiện ra giường. Hễ cần bài tiết là biết đánh thức ba mẹ, bày tỏ.
Nếu như người bé ưa thích đến thăm, họ vừa lên tiếng ngoài cổng, là ở trong nhà bé đã mừng rỡ khoa tay múa chân.
Mấy ngày trước, tôi gọi điện cho mẹ bé, em đòi cầm điện thoại và mừng rỡ bập bẹ: – “Ông ơi!”. Chẳng cần ba mẹ bé kể, tôi nhìn mức độ tiến bộ của bé mà trong lòng cảm thấy rất an ủi.
Hòa thượng Diệu Pháp ban cho bé tên Huệ Hân, hôm nay quả nhiên ứng nghiệm. Sư phụ nói:
– Huệ Hân thay đổi tiến bộ nhanh hơn ta tưởng, tương lai không những cháu có thể tự xử lý, mà sẽ hoàn toàn bình thường và còn có thể khai mở trí tuệ trước năm 20 tuổi.
Tôi nghe xong rất ngạc nhiên, hỏi Sư phụ:
– Thưa Sư phụ, Huệ Hân từ cõi súc sinh (loài heo) chuyển sinh lên, làm sao có thể khai mở trí huệ?
Sư phụ đáp:
– Ông giáo sư dạy học trò vì lời nói bậy: “Những gì Phật giáo rao giảng toàn là hư dối!”, lại còn đem uy tín danh dự mình ra bảo đảm, làm lỡ mất cơ duyên học Phật của bao nhiêu người. Nên sau khi chết bị đọa làm kiếp heo. Nhưng kiếp trước nữa, ông giáo này đã từng là một Hòa thượng rất có tiếng tăm danh vọng (vào thuở đó). Về sau do tâm dâm chưa sạch nên chết rồi quay lại nhân gian, sinh làm ông giáo sư nọ. Hai đồ đệ của ông cũng giống như vậy, do tình ái chưa đoạn nên cùng đến nhân gian làm học trò của ông. Tiên sinh dạy học này do một bề ôm tà kiến (cái thấy biết sai lầm) mà tuyên bố sai, diệt mất cơ duyên học Phật của bao người nên do tội đó mà phải mang thân heo. Còn hai môn sinh của ông sau khi bệnh, già, chết đi, họ lại tiếp tục sinh vào nhân gian mà kết làm vợ chồng.
Bởi vì hai vợ chồng này có sở thích rất ưa ăn thịt đầu heo, nên duyên nghiệp chiêu cảm thành cha mẹ Huệ Hân. Cũng có thể nói: “Huệ Hân đời trước là con heo, tiền thân heo là ông giáo sư, tiền thân ông giáo là một tu sĩ có đạo hạnh nhưng tâm dâm chẳng trừ”.
Còn cặp vợ chồng trẻ khoái ăn thịt heo, chiêu cảm sinh ra đứa con bị chứng bại não – bại não là ngu si; mà nhân của ngu si, chính là Do làm thầy có uy tín, địa vị cao mà nói lời cẩu thả, làm chướng ngại việc tu tiến của người khác, khiến cho người ta bỏ ý định học Phật pháp. Lại suy tiếp nữa thì ngu si chính là do tâm dâm chưa trừ, dâm tâm chính nam nữ ưa gần gũi chung chạ…Đây cũng có thể nói là thánh xưa khi tạo chữ, đã đem chữ hôn, thuộc cụm từ Kết hôn, trong đó có bộ Nữ đứng cạnh chữ Hôn – hàm ý có nữ bên cạnh thì đầu óc mờ mịt u ám phát mê muội. Thế nên trong “Tứ trọng thanh tịnh minh hối” (bốn lời dạy quan trọng) trong kinh Lăng Nghiêm, Phật đã dạy: “Ông tu tam muội, muốn thoát trần lao, tâm dâm chẳng trừ, trần không thể thoát”.
Hòa thượng lại nói:
– Cha mẹ Huệ Hân từ khi hiểu rõ Phật pháp rồi, nhất tâm quy y Phật, Pháp, Tăng; không những dứt trừ ăn mặn, mà vợ chồng còn đoạn dục khử ái; không những bản thân tự tụng kinh niệm Phật, còn hướng dẫn Huệ Hân niệm Phật, lạy Phật. Ngôi nhà bọn họ trước mắt ta hiện thành một ngôi tự viện tỏa ánh kim quang. Dù đang là cư sĩ tại gia nhưng cả ba người họ đều đã thầm hiện tướng xuất gia. Trí tuệ Huệ Hân (thuở là Tăng sĩ trong ba kiếp trước) sẽ có ngày hồi phục, được xem trọng.
Mùa hạ năm nay, tôi kết bạn cùng sư đệ Quả Bồi (dẫn theo một số bằng hữu là đệ tử Hòa thượng Diệu Pháp), tiện đường ghé thăm nhà ba mẹ Huệ Hân. Lời Sư phụ nói cuối cùng cũng được kiểm chứng.
Lưu cư sĩ (cha của Huệ Hân) ngồi trước mặt tôi, thân cao vừa tầm, dáng nho nhã thư sinh. Lý cư sĩ vợ anh, tuy là công nhân hãng may; song nhìn giống như giáo sư trung học. Cô dung mạo mỹ lệ nhưng không mất vẻ trang nghiêm, nhìn chẳng có vẻ gì là lớn tuổi hơn chồng cả.
Trò chuyện một hồi, tôi nhìn thấy nơi hai cổ tay anh Lưu có vết bỏng dài còn đỏ, có lẽ là mới bị bỏng gần đây nên trông màu sẹo hãy còn non. Tôi hỏi nguyên nhân, anh Lưu thật thà khai báo.
– Dạ, vợ chồng chúng con nhân vì Huệ Hân bệnh mà biết đến Phật pháp, hiểu đạo rồi thì đồng phát thệ từ nay quyết tâm tu hành thoát ly tam giới. Bởi do giao nhân luyến ái mới thành vợ chồng, vì niệm ái dục mà kết hôn sinh con, rước vào đủ thứ phiền não khổ đau. Chúng con vâng lời Phật dạy, lại nhờ xem qua quyển Báo ứng hiện đời, hiểu rõ về các chuyển kiếp trước, đời này, nên quyết tâm đoạn dục khử ái, đã cùng nhau thắp hương thệ nguyện.
Hơn nửa năm nay, chúng con vẫn ngủ chung giường mà không sao, thảy đều bình an vô sự.
Nhưng cách đây nửa tháng, một hôm không biết ma lực nào xui ám, khiến dục tâm con nổi lên mãnh liệt, khó bề khống chế. Ngay lúc đó con vội nhảy ra khỏi giường, quỳ trước Bồ-tát Quán Thế Âm cầu Ngài gia bị cho con thêm sức mạnh để bình tâm, định tĩnh. Khi ấy con đã dùng hai cổ tay kẹp chặt vào ngọn lửa cây hương to đang cháy, quyết tâm dùng lửa cây nhang xua đuổi tâm tà dâm và cầu Phật lực gia trì.
Kể đến đây anh Lưu trang trọng nói:
– Vợ chồng chúng con đã nhất quyết đoạn trừ tâm dâm. Xin tôn ông chuyển lời thưa với Sư phụ dùm, chúng con nhất định sẽ làm đệ tử xứng đáng của Sư phụ.
Tôi bị vợ chồng anh Lưu làm cảm động đến rơi lệ. Bọn họ tuy tuổi còn trẻ, nhưng có khí phách, dũng cảm, khiến cho nhiều lão cư sĩ phải cảm phục tự hổ thẹn thầm. Mọi người đều quý mến họ.
Tôi hỏi họ:
– Lần này tôi viết tiếp quyển “Báo ứng hiện đời tập 3”, có thể ghi câu chuyện anh chị vào được không?
Chị vợ nói:
– Việc phát thệ nguyện trừ bỏ ái dục giống như chúng con, cũng đã có 3-4 cặp phu thê thực hiện rồi ạ. Do cư sĩ Quả Bồi thường hướng dẫn chúng con tổ chức pháp hội Lăng Nghiêm, nên đa số chúng con ai cũng đều thuộc chú Lăng Nghiêm và “Bốn lời dạy quan trọng” trong đó. Các Phật tử (từ 20-60 tuổi) ai mà mà không thuộc Chú Lăng Nghiêm đều cảm thấy rất hổ thẹn ạ. Nhóm bạn đạo chúng con hễ vừa phát tâm học Phật là lập tức từ bỏ ăn mặn. Trong số này có cư sĩ Hồng Bân, lúc đi tắm hơi thì quen biết cư sĩ Ngạn Tân và được dắt đến gặp cư sĩ Quả Bồi. Sau khi xem “Báo ứng hiện đời” rồi, ông Bân liền hướng dẫn vợ con tu tập, từ đó đoạn tuyệt ăn mặn. Gần đây nghe nói cả hai vợ chồng họ cùng phát thệ khử ái đoạn dục, dù tu tại gia nhưng lòng đã nhất quyết phải liễu sinh thoát tử…
Chúng con cảm thấy những lời Phật dạy đều là chân lý nên nguyện tuân theo, y đó mà thực hành, chỉ mong được làm đệ tử xứng đáng của Như Lai, chứ chẳng phải mình là kẻ tài ba giỏi giang gì đâu ạ.
Con vốn muốn xin giáo sư đem chuyện của cháu Huệ Hân nhà con viết ra. Kể rõ từ khi nó chào đời, thì giữa bụng và hai bên lưng đều có một đường ngấn dài. Các bệnh viện đều nói nó bị chứng “mất sắc tố” và bảo đây là chứng bệnh di truyền của gia tộc. Nhưng mà, hai dòng họ nhà chúng con không ai bị như thế cả. Cổ chân, cổ tay Huệ Hân cũng có lằn ngấn tương tự.
Hôm nọ trong khi tĩnh tọa, con đột nhiên thấy mình đi vào lò giết heo, thấy một con heo bị trói bốn chân. Sau khi nó bị giết rồi, người ta ném nó vào nồi nước nóng và khiêng đi cạo lông. Tiếp đến dùng côn sắt chêm vào giò cẳng bụng nó, rồi nện đập bốn chỗ này. Sau đó, người ta thổi hơi vào mồm nó, khiến bụng heo phình to lên như quả cầu, tiếp đến họ dùng dây cột tay, chân, miệng heo lại; ngăn không cho khí tuôn ra, rồi dùng côn sắt đánh lên mình heo. Sau này con hỏi phụ thân mới biết người ta làm vậy để cho nước trong nội tạng và da thịt phân ly, mặc dù heo đã chảy hết máu rồi, nhưng lúc bị đánh thân vẫn hằn các đường nhợt nhạt (như bị tắc nghẽn máu) hiện trên da thịt. Cuối cùng thì nó bị phanh thây mổ bụng.
Lúc này con chợt hiểu ra, các đường hằn trên mình Huệ Hân, bác sĩ nói là bệnh “mất sắc tố” nhưng thực chất là do heo bị giết, bị đánh nên lưu vết tích. Xem như đây kiểm chứng lời Hòa thượng Diệu Pháp nói…rất chính xác ạ!
Kiếp trước đời sau, luân hồi lục đạo là thật có. Nhân quả báo ứng hoàn toàn chân thật. Chúng con hi vọng đem chuyện nhà mình cảnh tỉnh những vị đệ tử Phật không nghiêm trì giới luật, bởi vì chỉ có giữ giới, sám hối mới tiêu trừ nghiệp chướng, thực tâm hành pháp mới lìa khổ được vui.
Những lời ba mẹ Huệ Hân nói khiến người nghe cảm động. Mẹ cháu muốn cho Huệ Hân chụp ảnh để tôi đăng lên sách cho độc giả tin đây là chuyện thật hoàn toàn, nhưng tôi từ chối. Vì tôi nghĩ dù hiện tại cháu còn bé, nhưng sau này sẽ lớn lên ảnh hưởng đến cuộc đời của cháu.
Tuy trình độ viết văn tôi không giỏi, nhưng tôi cho rằng dù tôi không đăng hình, độc giả vẫn có thể tin đây là chuyện thật và hiểu rõ lý nhân quả. Tôi tuyệt chẳng dám viết chuyện bịa đặt gạt lừa người, bởi làm thế chính là phản bội nhân quả.
Chỉ nhìn sơ qua địa phương nhỏ bé này thôi, đã thấy có rất nhiều cư sĩ tu chân thành, như thế đủ chứng minh thời này “tuy mạt pháp mà không mạt”, vì còn rất nhiều đệ tử Phật tinh tấn tu hành trong biển người mênh mông.
Trong Phật môn từng nói: “Có người ẩn tu ở thâm sơn, có người tu thầm nơi phố thị. Đệ tử Phật không tranh, không tham cầu, không tư lợi ích kỷ, không vọng ngữ…”. Tất cả những ai tu hành chân chính, dù là cư sĩ tại gia thì vẫn có thể thành tựu đạo nghiệp.
Còn như trong đạo tràng xảy ra những hiện tượng trái đạo, thậm chí xuất hiện cả tà sư thuyết pháp, thì đây há chẳng phải là thử thách, là khảo nghiệm đối với chúng ta ư? Không có tà thì sao hiển chánh được, không có ma thì sao có Phật được?
Chư vị đại đức cao tăng từng dạy chúng ta: “Ma là giúp chúng ta tu thêm kiên cố, ta phải biến ma thành bậc thầy nghịch hạnh hỗ trợ”, chẳng phải là tạo thêm lực đẩy giúp ta tu giỏi hay sao?
Đối với những ai không tuân thủ quy củ của Phật, ta chỉ cần đừng để ý đến họ là xong. Gặp những kẻ giảng tà pháp, cũng là dịp khảo nghiệm xem chúng ta có con mắt phân biệt chánh pháp hay không? Xem như đây cũng là thử thách. Nếu giận họ, thì ta cũng giống như họ thôi.
Hòa thượng Diệu Pháp từng khai thị:
Mạt thế thuyết pháp
Có sai có đúng
Nên xả thì xả
Nên dùng thì dùng
Tùy duyên hóa độ…
Cuối cùng xin kết thúc bằng hai câu:
“Như như bất động, nào sợ tham sân tật đố
Nhất tâm bất loạn, nào quản hổ đấu long tranh”.
(Diệu Âm Lệ Hiếu kính trích từ quyển Báo ứng hiện đời – Tác giả: Quả Khanh – Hạnh Đoan dịch)