Ở Hồ Châu thuộc tỉnh Chiết Giang có một thầy thuốc tên là Sa Trợ Giáo. Mẹ ông rất thích ăn cua, đã giết hại số lượng nhiều không đếm xuể. Niên hiệu Thiệu Hưng năm thứ 11 (tức là năm 1147), bà bị bệnh nặng qua đời. Sau đó, có một đứa cháu nhỏ nhìn thấy bà đứng ngoài cửa, thân hình đầy máu me, nói với cháu rằng: “Bà lúc còn sống giết cua quá nhiều, nay phải chịu quả báo trong núi cua. Cháu nói với cha cháu, hãy mau mau làm việc phúc đức mà hồi hướng cho ta.” Nói vừa dứt lời thì không thấy đâu nữa.
Trích An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Bỏ Sự Giết Hại
Nguyên tác Hán văn: Vạn Thiện Tiên Tư
Tác Giả: Chu An Sĩ
Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến
Lời bàn: Người ta làm món cua muối, bắt con cua còn đang sống mà móc bỏ yếm rồi ướp muối tiêu vào đó. Sự đau đớn khổ sở mà con cua ấy phải chịu đựng thật không thể hình dung nổi! Quả báo trong núi cua, chính là do nghiệp lực chiêu cảm mà thành.Quan sát con cua bò ngang trên đất, có thể biết rằng đời trước ắt phải quen theo con đường tà kiến, không hướng theo nẻo chánh Bồ-đề. Nhìn dây buộc trên lưng, có thể biết rằng đời trước ắt phải buông thả cho ái dục trói buộc, không giải thoát ra khỏi những ràng buộc tình cảm, phiền não. Đó chính là: “Muốn biết nhân đời trước, hãy xem quả đời này.”
Người đời nghe nói đến những nỗi khổ trong địa ngục đều cho là chuyện mơ hồ, không biết rằng khi người ta luộc cua để ăn, ấy chính là cảnh tượng của đại địa ngục Phí thang [được mô tả trong kinh điển], chỉ vì người ta làm mãi thành quen nên xem đó như chuyện bình thường mà không nhận biết được.
Khi củi vừa bắt lửa bốc lên một lúc đầu, nhiệt độ trong nồi nóng dần lên, những con cua trong nồi bắt đầu kinh hoàng khiếp sợ, toàn thân cảm thấy ngày càng khó chịu. Thế rồi nước trong nồi ngày càng nóng hơn, cả bầy cua rối loạn bò quanh, con nào cũng muốn tìm lối thoát ra. Lát sau, nước càng thêm nóng, thế là cả bầy qua lại vướng vít, thần thức hôn mê. Lúc bấy giờ, nổi lên mặt nước, nóng bức đau đớn không chịu nổi, chìm xuống đáy nồi cũng nóng bức đau đớn không chịu nổi, nằm yên xếp lớp lên nhau cũng nóng bức đau đớn không chịu nổi. Không bao lâu, nước trong nồi sôi lên, khắp quanh thân hình đều có nước sôi sùng sục. Nước sôi vào mắt, như đinh sắt trui nóng đâm nơi nhãn cầu; nước sôi trên lưng, như sắt nấu chảy nung nóng khắp thân thể. Chịu đựng khổ sở đau đớn như thế không sao nói hết, để rồi ôm mối oán hờn mà chết, toàn thân chuyển thành màu đỏ.
Than ôi, người ta bất quá cũng chỉ vì miếng ngon trong chốc lát mà tạo thành nghiệp chướng nặng nề rộng sâu không bờ bến như thế. Ví như chư Phật, Bồ Tát dùng thiên nhãn mà quán sát sự việc này, ắt sẽ thấy rõ người với cua từ vô số kiếp đến nay đều đã từng là cha mẹ, anh em, thân bằng quyến thuộc của nhau, chỉ vì lăn lộn tái sinh, thay hình đổi dạng, nên không thể biết nhau đó thôi. Vì thế mới qua lại trong luân hồi mà thay nhau tạo nghiệp, giết hại lẫn nhau, cho đến báo oán lẫn nhau vô cùng vô tận.
Dám xin có lời rộng khuyên khắp thảy, nếu muốn phát tâm từ bi, trước hết phải mạnh mẽ thực hành khoan thứ, điều mình không muốn, chớ làm cho kẻ khác. Hãy tự đặt mình vào hoàn cảnh của muôn loài mà quán xét, thì sự tham ăn sẽ được chuyển hóa thành tâm từ ái.