Ở nước Kế Tân [một quốc gia thời cổ thuộc miền tây bắc Ấn Độ, nay thuộc vùng Kashmir] có vị A-la-hán tên là Ly Việt, vào trong núi sâu tu tập thiền định. Một hôm, có kẻ mất trâu đi tìm, theo dấu vết mà đến chỗ đó. Gặp lúc ngài Ly Việt đang nấu cỏ để nhuộm y, bỗng tấm y biến thành da trâu, nước nhuộm biến thành máu trâu, cỏ nấu biến thành thịt trâu, bình bát đang ôm biến thành đầu trâu. Người chủ mất trâu thấy vậy liền bắt ngài đưa lên quan địa phương, tống giam vào ngục, ở trong ngục 12 năm phải lo việc nuôi ngựa và dọn phân ngựa.
Khi nghiệp duyên sắp hết, đệ tử của ngài Ly Việt từ xa dùng thần nhãn nhìn thấy thầy mình bị giam trong ngục ở nước Kế Tân[1], liền đến nói với vua nước ấy. Vua nghe xong nói rằng, trong ngục nếu có vị tăng nào xin ra khỏi ngục. Ngài Ly Việt vừa nghe thì râu tóc tự rụng, toàn thân bay vọt lên giữa hư không, hiện đủ 18 phép biến hóa[2]. Đức vua nhìn thấy lấy làm xấu hổ, quỳ xin sám hối tội đã giam cầm A-la-hán.
Ngài Ly Việt liền dạy rằng: “Vua không có tội, đó là do nghiệp duyên đời trước của ta. Trong đời quá khứ, ta có lần bị mất trâu, nhân đó mà nghi ngờ vu oan cho một vị A-la-hán, mắng chửi vị ấy suốt một ngày đêm. Do tội ấy mà đã phải đọa vào ba đường ác, gánh chịu vô số khổ não. Đến nay tai ương vẫn còn chưa dứt, nên tuy đã chứng quả A-la-hán mà vẫn bị vu oan, báng bổ”.
Lời bàn: A-la-hán là bậc tu hành đã dứt được sự tái sinh, thoát khỏi luân hồi, vậy mà vẫn không thoát được dư báo của nghiệp, đó là vì kẻ oan gia đối nghịch của họ vẫn còn đó. Tuy nhiên, cần phải biết rằng nghiệp quả mà vị A-la-hán lãnh chịu hoàn toàn không giống với nghiệp quả mà người đời lãnh chịu. Cũng như đồ đựng thức ăn của chư thiên tuy giống nhau, nhưng thức ăn có sự tinh khiết hay thô xấu khác nhau. Lại cũng giống như voi, ngựa với thỏ, ba con thú cùng bơi qua một dòng sông, nhưng cảm nhận của mỗi con về độ sâu của dòng sông đều khác nhau. Vì thế nên không thể luận giải sự việc theo cùng một cách như nhau được.
[1] Phần trích này có lược bỏ một đoạn, theo kinh văn thì ngài Ly Việt có đến 500 người đệ tử chứng quả A-la-hán, nhưng trong suốt thời gian trước đó họ sử dụng thần nhãn để tìm kiếm ngài mà đều không thể thấy được. Đó là do nghiệp duyên che chướng mà thành, khiến ngài phải chịu đủ quả báo xấu trong 12 năm. Chỉ đến khi nghiệp duyên sắp hết họ mới có thể nhìn thấy được ngài.
[2] Đoạn này do lược bỏ kinh văn nên thành hơi tối nghĩa. Theo kinh văn thì vua sai người vào ngục để thả ngài Ly Việt ra, nhưng họ không thể tìm được ngài, vì khi ấy ngài không mang hình tướng của một vị tăng mà là một người chăn ngựa quần áo rách rưới, để râu tóc dài. Những người này liền báo lại với đức vua như vậy. Vua không biết phải làm sao. Vị đệ tử của ngài Ly Việt liền nói: “Chỉ cần bệ hạ nói ra lời phóng thích, thầy tôi tự khắc có thể ra khỏi ngục”. Vua nghe lời liền ở tại cung điện lên tiếng nói: “Trong ngục nếu có vị tỳ-kheo nào, xin tùy ý ra khỏi ngục”. Ngay khi ấy, ngài Ly Việt liền hóa hình trở lại thành một vị tăng A-la-hán trang nghiêm, từ trong ngục bay ra bên ngoài, hóa thân lên hư không, hiện đủ 18 phép thần biến.
Trích An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Tin Sâu Nhân Quả
Nguyên tác Hán văn: Âm Chất Văn Quảng Nghĩa
Tác Giả: Chu An Sĩ
Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến