Vào đời nhà Tùy, trong khoảng niên hiệu Đại Nghiệp năm thứ 8 [tức là năm 612] tại huyện Nghi Châu, tỉnh Quảng Tây, có người tên Hoàng Phủ Thiên, lấy trộm 60 đồng tiền của mẹ. Người mẹ mất tiền không tìm thấy, truy xét tra hỏi khiến cho tất cả người trong nhà đều phải chịu đòn roi.
Qua năm sau, Phủ Thiên chết, lại thác sinh thành một con lợn trong nhà. Lợn lớn lên rồi, người nhà liền bán cho ông xã trưởng ở một thôn xa, được sáu trăm đồng tiền. Đêm đó, người vợ của Phủ Thiên vừa ngủ thiếp đi thì mộng thấy một con lợn nói rằng: “Tôi là chồng cô trước đây, vì lấy trộm sáu mươi đồng tiền của mẹ nên khiến cho cả nhà đều bị đòn roi. Do tội ấy phải sinh làm thân lợn, nay lại bị đem bán đi. Mong cô hãy mau mau chuộc tôi về, nếu để chậm ắt là tôi sẽ bị người giết thịt”.
Người vợ giật mình tỉnh dậy, trong lòng hoàn toàn không tin. Nhưng khi thiếp ngủ lại thì cũng mơ thấy như vậy nữa, lại còn nghe lợn hối thúc khẩn thiết hơn. Khi tỉnh dậy suy nghĩ rằng tình hình đã gấp rút lắm, liền lập tức mặc áo vào, sang gõ cửa phòng mẹ chồng. Hóa ra bà mẹ Phủ Thiên cũng đã thức giấc từ lâu, vì bà cũng nằm mộng thấy giống hệt như cô. Khi ấy đã quá nửa đêm, mà nhà ông xã trưởng mua lợn cách đó đến ba mươi dặm. Bà mẹ sợ không chuộc được lợn, liền lấy ra 1.200 quan tiền, sai người con cả cùng đi với đứa con trai của Phủ Thiên sang chuộc. Nào ngờ lễ tế của làng đã sắp xếp đâu vào đó, nên ông xã trưởng nhất quyết cự tuyệt không cho chuộc lợn.
Nhân lúc còn đêm tối, gia đình Phủ Thiên liền nhờ một đám hung đồ có thế lực đến ép buộc xã trưởng phải cho chuộc lại. Xã trưởng bất đắc dĩ không dám chống cự, đành thả lợn ra. Trên đường về, khi đi ngang qua một bãi đất hoang rộng lớn, người anh cả liền nói với lợn: “Nếu đúng là em ta thì hãy đi lên trước”. Lợn lập tức chạy lên phía trước, theo đúng đường về nhà.
Sau đó, xóm giềng biết chuyện đều cười chê, đàm tiếu. Con cái của Phủ Thiên lấy làm xấu hổ lắm, suy nghĩ rồi bàn với nhau: “Nếu để cha ta thế này, ắt con gái trong nhà chẳng ai nhìn đến. Trước đây cha ta rất thân với nhà họ Từ, có thể mang gửi nhờ bên ấy, chúng ta định kỳ chu cấp thức ăn là được”.
Lợn nghe qua những lời ấy, nước mắt chảy ra ràn rụa, liền vẫy đuôi rồi tự đi đến nhà họ Từ, cách đó bốn mươi dặm. Đến niên hiệu Đại Nghiệp thứ 11 [tức là năm 615] lợn chết ở nhà họ Từ.
Lời bàn: Một khi đã thay hình đổi dạng, hết thảy người nhà đều không thể nhận biết được. Cho nên nói rằng, trong chốn luân hồi thì gia đình quyến thuộc xét cho cùng cũng chỉ là những quan hệ giả tạm, không chân thật.
Trích An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Tin Sâu Nhân Quả
Nguyên tác Hán văn: Âm Chất Văn Quảng Nghĩa
Tác Giả: Chu An Sĩ
Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến