Họ Trịnh ở Hàng Châu mở quán ăn, có bán rượu, giết thịt đủ loại vật mạng. Đến khi sắp chết, ông ta nhìn thấy cả đàn súc vật cùng kéo đến đòi mạng, miệng la “gà đến kìa” thì hai tay dang ra đập xuống, dao động nhanh như cánh gà khi bị giết; lại la lên “ngỗng đến kìa” thì làm bộ dạng như ngỗng, lập tức vươn dài cổ, hai tay xuôi xuống dao động qua lại, miệng phát âm thanh đau đớn như khi ngỗng bị cắt cổ; rồi lại la lên “ba ba đến kìa”, lập tức làm bộ dạng giống hệt ba ba, đầu rụt lại, tay chân co quắp vào… Cứ như thế, miệng hô tên một loài vật thì thân hình lại bắt chước giống hệt như con vật ấy khi bị giết, đau đớn như bị cực hình rồi mới chết.
Lời bàn: Có người hỏi rằng: “Tất cả đều do tâm tạo tác. Họ Trịnh sinh thời giết hại nhiều loài vật khác nhau, nên khi lâm chung nhìn thấy cảnh đòi mạng cũng có nhiều loài vật khác nhau. Như vậy chắc rằng trong đời sắp tới phải thọ thân duy nhất làm một trong các loài vật ấy? Hay là không thọ thân làm loài vật nào trong số đó, mà có cách riêng khác để thọ nhận quả báo ấy?”
Đáp rằng: “Nghiệp giết hại đã nặng, ắt phải chịu quả báo nặng nề trong ba đường dữ. Sau khi quả báo nặng trong ba đường ấy đã hết, sau đó mới tùy theo những oan nghiệt đã tạo mà phải dần dần đền trả từng món, từng món bằng mạng sống. Nếu ngày trước giết gà nhiều, ắt thọ báo giết gà trước nhất; nếu giết ba ba nhiều, ắt thọ báo giết ba ba. Đối với các loài vật khác cũng thế, giống như một người thiếu nợ nhiều người, món nợ nào gấp rút hơn ắt phải trả trước.”
Vào mùa hạ thuộc niên hiệu Khang Hy năm thứ 17 (1678), ở Nam Kinh có một người chuyên bán món bún nấu lươn, người đến mua lúc nào cũng rất đông.
Một hôm, vợ ông ta có thai đã đến lúc sinh nở, bỗng từ trong bụng bò ra một con rắn lớn. Không bao lâu sau lại tiếp tục sinh ra hàng trăm con rắn nhỏ, bò lúc nhúc khắp trong nhà. Bà ta thấy vậy sợ quá mà chết.
Lời bàn: Người chuyên giết hại cắt xẻ thân xác loài vật, trong tâm địa vốn đã sớm hóa rắn trước rồi, sao có thể tránh được quả báo xấu ác quái lạ như thế!
Trích An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Bỏ Sự Giết Hại
Nguyên tác Hán văn: Vạn Thiện Tiên Tư
Tác Giả: Chu An Sĩ
Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến