Đối với các bạn hay ngay với chính bản thân mình, tham – sân – si chỉ được hiểu là một điều gì đó xấu, không tốt đẹp. Nhưng trong Phật giáo, Tham – sân – si lại bị coi là “Tam độc”, là nguyên nhân của mọi sự đau khổ trên đời. Vậy tại sao Phật lại coi đó là cội nguồn của sự đau khổ? Bài viết sau đây của Thủ Thuật Nhanh sẽ giúp các bạn giải đáp điều đó.
Mục lục
I. Tam độc: Tham – Sân – Si
Theo lời Đức Phật nói, những thứ mà mỗi người chúng ta theo đuổi hiện nay chính là tiền tài, danh vọng và quyền lực,… Có thể nhiều người nghĩ rằng, có những điều này chúng ta sẽ trở nên hạnh phúc, nhưng khi có được chúng, chúng ta lại muốn nhiều hơn, luôn phải tìm mọi cách để duy trì những điều đó và tìm đến những điều mới mẻ hơn. Đấy chính là điều làm cho chúng ta đau khổ. Tuy nhiên, Đức Phật đã nói: “Cuộc đời chúng ta vốn không khổ, mà điều khiến chúng ta khổ chính là do Tam độc, do tham – sân – si bên trong chúng ta”.
Tam độc là ba thứ ác độc ở trong chính thâm tâm của chúng ta. Nếu không thể kiểm soát được nó thì nó sẽ mang đau khổ đến và phá hoại hạnh phúc của chính bạn. Theo một thứ tự thông thường thì Tam độc là Tham – sân – si nhưng nếu đặt đúng theo trật tự từ gốc ra ngọn thì sẽ là. : Si – tham – sân.
1. Si
Như các bạn thường nghe những người đam mê tình yêu một cách thái quá thì sẽ gọi là: “si tình”. Vậy “Si” ở đây có nghĩa là gì? Si là “Si mê” ( tiếng Phạn là Moha). Hiểu theo người Trung Hoa dịch thì Si là một tình trạng Vô Minh – thiếu hiểu biết về bản chất chân thật. Si có thể hiểu là không nhận ra phải trái đúng sai, không thấy được tà – chính, ngu tối, mờ mịt. Sự vô minh này đã che lấp đi tâm chí con người, làm cho con người không thấy được những sự thật, điều chân chính, lầm lẫn những điều tội lỗi thành điều tốt. Chính từ sự nhầm lẫn, ngu dốt này mà phát sinh bao lỗi lầm về sau.
Ngay chính trong thâm tâm mình và các bạn, ai cũng có những tham vọng nhưng khác nhau ở chỗ mức độ tham vọng và cách thức bạn đạt được tham vọng ấy như thế nào. Khi bản thân chúng ta có ham muốn, đa phần chúng ta sẽ giành giật, đuổi bắt, tìm cầu cho được những nhu cầu mà bản thân đòi hỏi. Nhưng không bao giờ có sự thỏa mãn của bản thân ngay cả khi đạt được mục tiêu. Chính điều này là cái gốc của lòng tham vô tận sau này.
Khi chúng ta tự nhủ với bản thân mình là đúng thì mọi thứ ta nghĩ, ta làm, ta đều cho là đúng. Nếu ai trong số chúng ta đều có suy nghĩ như vậy thì ai là người sai? Mỗi người một môi trường sống, sự suy nghĩ và tiếp thu mọi thứ xung quanh khác nhau nên ở mỗi ý kiến có thể đúng với người này nhưng chưa chắc đã đúng với người kia, cho nên việc đồng nhất các ý kiến với nhau là điều không thể. Vì thế người cố chấp, bảo thủ ý kiến mình chắc chắn sẽ là người sai và điều này cũng sẽ gây nên hậu quả cho chính người đó. Lúc này, ai mà có đủ sự khéo léo, dung hòa, bỏ đi sự bất đồng để vui vẻ với nhau mới là người khôn ngoan nhất.
2. Tham
Tham là tham lam ( tiếng Phạn là Raga). Luôn luôn không thỏa mãn với những gì bản thân có được gọi là tham lam.
Ở đời, con người thường có năm điều ham muốn nhất : tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống và ngủ nghỉ. Thế nhưng, thật ra thì năm điều ấy vui ít, khổ nhiều. Để được những điều này học sẽ phải giành giật lẫn nhau, mà đã là giành giật thì có kẻ được, người mất, kẻ được vui cười thì người mất tức tối. Vì thế mà có được càng nhiều thì thù hận càng lắm, những cái được của ta cùng là mồ hôi, nước mắt của người khác. Tham tiền, ta đày đọa bản thân phải kiếm sống, đôi khi lại làm những điều bất chính để có tiền, có được lại sợ người đời phá nên tìm mọi cách để giữ nhưng được rồi cũng mất và khi mất đi thì lại đau khổ. Tham sắc đẹp, khi sắc đẹp đã khiến ta say mê, làm cho ta mù quáng, ta bất chấp mọi thứ kể cả dùng những điều xấu xa, tồi tệ ta cũng muốn chiếm lấy. Tham danh vọng, danh vọng chính là những hạt nước lóng lánh dưới ánh mặt trời nên vì nó mà con người phải cúi mình, luồn lách để nhờ vả, xin xỏ. Tham ăn uống, vì ăn mà con người ta giành giật nhau, đòi hỏi món ngon vật lạ, cả đời làm “nô lệ cho chiếc lưỡi”, nhưng ăn nhiều thì có nhiều bệnh, thân thể mệt nhọc, không sống thọ. Tham ngủ, sẽ khiến ta mụ mị đầu óc, trí não trở nên đần độn hơn. Đấy chính là những nguyên nhân buộc kiếp người vướng vào vòng sinh tử, sa đọa.
Kẻ tham lam
Lòng tham là cái hang không cùng, cái túi không đáy cho nên không bao giờ biết thế nào là “đủ”. Khi không có thì “tham lam” muốn có, khi đã có thì “tham lam” lại muốn nhiều hơn, càng có được thì sẽ lại càng tham. Và khi tham mà không có được thì con người sẽ nổi Sân.
3. Sân
Sân là “Sân hận” ( tiếng Phạn là Dvesha), sự giận dữ, nóng nảy, thù hận do tham lam mà không được toại nguyện hoặc bị ngăn cản mà nổi sân. Một khi nổi sân thì mọi tội ác nào cũng dám làm, mọi khổ đau nào cũng dám tạo. Mọi sự nóng giận, độc ác đều từ Sân mà ra.
“Sân” được chia làm hai loại: loại bộc phát và loại thầm kín. Khi ta bị người khác chê bai hoặc làm gì đó không vừa ý, ta liền nổi nóng , la mắng ầm ĩ, khi đó Sân bộc phát. Loại Sân này rất nguy hiểm nhưng người khác có thể thấy, biết và tránh. Tuy nhiên cũng có người học kìm nén sự bộc phát, nuôi dưỡng Sân một cách ngấm ngầm, lòng Sân này thầm lặng mà ác độc vô cùng vì đối phương không biết để phòng tránh. Người có lòng sân này sâu độc vô cùng giống như một đống lửa than khó thấy mà lâu tàn, giống như một ngôi nhà đẹp nhưng bên trong chứa đầy khói độc.
II. Kết luận
Từ những điều trên ta có thể thấy, si mê là gốc rễ, sân hận là cành và tham lam chính là lá. Để diệt trừ Tham – sân – si thì trước hết ta phải diệt từ gốc rễ, chỉ khi chúng ta không si mê thì trí tuệ mới được khai sáng và từ đấy sẽ ngăn chặn được tham lam và sân hận. Nếu tham và sân nổi lên, mà ta không si mê thì sẽ kịp thời phán đoán. Nhưng nếu tham và sân không nổi nên mà bản chất lại si mê, vô minh thì chỉ sợ lúc ấy lại nuôi dưỡng sân và tham. Bởi vậy, mỗi chúng ta đều cần tu tâm, dưỡng tính để bản thân mình trở nên vô si, không si mê, để cho suy nghĩ luôn được sáng suốt.
Chúng ta hãy luôn giữ tâm hồn được yên tĩnh, không quá mù quáng hay si mê quá nhiệt tình dẫn đến những suy nghĩ và hành động dại dột. Lòng tham là cái hang không cùng, cái túi không đáy cho nên không bao giờ biết thế nào là “đủ”. Khi không có thì “tham lam” muốn có, khi đã có thì “tham lam” lại muốn nhiều hơn, càng có được thì sẽ lại càng tham. Và khi tham mà không có được thì con người sẽ nổi Sân.
Trên đây là những điều về Tham – Sân – Si mà mình đã tổng hợp lại được. Hi vọng sẽ giúp ích cho các bạn. Cảm ơn các bạn đã xem!