Nhân quả, nghiệp và luân hồi là mối tương quan mật thiết tác động qua lại lẫn nhau làm nên đời sống con người và vạn hữu. Song dưới góc nhìn tín ngưỡng dân gian thì Nhân quả, luân hồi người ta dễ cảm nhận hơn là Nghiệp lực trong giáo lý đạo Phật.
Đứng về phương diện giáo lý đạo Phật: tất cả mọi sự vật hiện tượng xảy ra đều do tác động từ Thân, Khẩu, Ý của con người mà thành. Trong đó Ý (tức ý thức) mặc dù vô hình tướng, nhưng làm nên mọi sự. Vậy Phật giáo mới có câu kinh điển bất hủ: “Tam giới duy tâm vạn pháp duy thức”. Cũng như thế, khi nói về nhân quả, nghiệp dẫn, luân hồi các Tổ thầy và kinh điển thường dạy: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả” nghĩa là cần ngăn chặn nguyên nhân trước khi những điều xấu ác xảy đến.
Để giúp chúng ta nhận diện đôi nét về sự vận hành của Nghiệp trong đời sống của con người (đặc biệt là con người đương đại hiện nay) đang có nguy cơ lệch chuẩn về tinh thần đạo đức, bởi con người ngày nay đang có xu hướng (hướng ngoại) chạy theo giá trị vật chất và coi tiêu chí vật chất là trên hết, nên đã xem nhẹ mặt tinh thần (tức bất cẩn việc tác động xấu, tốt, thiện, ác) hàng ngày của chính mình do nghiệp gây nên. Chính vì điều này, thiết nghĩ chúng ta cần tìm hiểu về giáo lý Nghiệp dẫn của đạo Phật để ứng dụng vào đời sống, góp phần cho cuộc sống ngày càng an lành và bớt khổ đau hơn. Vậy diễn tiến của nghiệp dẫn ra sao và tác dụng của nó trong đời sống như thế nào. Chúng ta cùng tìm hiểu vấn đề này dưới đây.
Nhận diện hay khái niệm về nghiệp
Chữ nghiệp là do dịch nghĩa của chữ Karma trong tiếng Phạn hay chữ Kamma trong tiếng Pa-li-ra. Dịch âm là Kiết-ma. Nghiệp nghĩa là hành động, việc làm của thân, khẩu, ý. Khi chúng ta nghĩ một điều gì, nói một câu gì, làm một việc gì, lành hay dữ, xấu hay tốt, nhỏ nhặt hay to lớn, mà có ý thức, đều gọi là nghiệp. Những việc làm vô ý thức không phải là nghiệp. Đức Phật dạy: “Này các thầy Tỳ kheo, Như Lai nói rằng tác ý là nghiệp”. Tác ý bắt nguồn sâu xa trong vô minh và ái dục. Còn vô minh, còn ái dục, còn ham muốn, thì mọi hành động, lời nói, tư tưởng đều là nghiệp.
Những hành động lời nói, tư tưởng của chư Phật, chư Bồ Tát không gọi là nghiệp vì các ngài đã giác ngộ, không còn bị vướng mắc trong màn vô minh và lưới ái dục.
Sự hình thành của nghiệp
Trong luật nhân quả chúng ta thấy, về phương diện vật chất cũng như tinh thần, hễ có nhân thì thế nào cũng có quả và quả lại làm nhân để tạo thành quả khác. Nhân quả đắp đổi cho nhau và tiếp nối mãi không dứt. Trong phạm vi con người khi mới tạo ra hành động nào bất luận bằng thân, khẩu, hay ý thì hành động ấy gọi là nghiệp nhân. Theo kinh điển và các Tổ thầy dạy, vang bóng ảnh hưởng của nghiệp nhân ấy, được gieo vào trong ruộng tiềm thức và trưởng thành dần. Khi nó có đủ cơ duyên, vang bóng ảnh hưởng ấy kết thành quả (nghĩa là phát lộ ra bằng hành động thân, khẩu, ý khác) thì gọi là nghiệp quả.
Vang bóng ảnh hưởng của nghiệp quả này được gieo vào tiềm thức để làm nghiệp nhân cho nghiệp quả về sau. Ruộng tiềm thức chất chứa, nuôi dưỡng tất cả những hạt nhân và quả ấy, trở thành ruộng thiện, nếu những nghiệp nhân và quả của người hành động đều thiện; trở thành ruộng ác, nếu nghiệp nhân và quả của người ấy đều ác; hay trở thành ruộng nửa thiện nửa ác, nếu những nghiệp nhân và quả của người ấy có thiện có ác. Cũng như khi chúng ta dùng một thửa ruộng để trồng đậu thì chúng ta có một đám ruộng toàn đậu; khi ta trồng bắp thì ta có một thửa ruộng bắp; còn nếu khi chúng ta vừa trồng cả đậu lẫn bắp, thì ta có một đám ruộng bắp đậu lẫn lộn.
Để giúp chúng ta nhận diện đôi nét về sự hình thành của nghiệp, cố HT.Thích Thiện Hoa đã nêu ra một ví dụ sát thực để hình dung về nghiệp như sau: Mỗi một họa sĩ đều có một tấm gỗ để thử mầu, trộn mầu. Mỗi khi tô mầu gì lên bức tranh, thì họa sĩ lấy mầu để trộn hay thử trước lên tấm gỗ ấy. Nếu họa sĩ có một tính tình nồng nhiệt thích mầu đỏ nhiều hơn các mầu khác, thì tấm gỗ ấy lâu ngày trở thành mầu đỏ; nếu họa sĩ có tính cách hiền dịu, thích mầu xanh hơn các mầu khác, thì tấm gỗ ấy, nổi bật lên mầu xanh. Những bức tranh thì họa sĩ đã bán cho người khác, nhưng tấm gỗ thì luôn luôn còn lại bên mình họa sĩ và khi chỉ nhìn vào tấm gỗ ấy, người ta có thể đoán biết họa sĩ đã vẽ trong những bức tranh ấy mầu gì.
Cũng như hành động, lời nói, tư tưởng của chúng ta tuy đã tản mát trong không gian, tan biến trong thời gian, mà ảnh hưởng vang bóng của chúng ta còn lại trong tiềm thức, tạo cho ta một cá tính riêng biệt: hoặc hiền, hoặc dữ, hoặc siêng năng, hoặc biếng nhác… Và khi nhận thấy cá tính của ta, người tinh ý có thể đoán biết được đại khái tính cách và những hành động của ta trong quá khứ, cũng như trong tương lai. Nhân đây, cũng xin nêu một ví dụ nữa để chúng ta cùng tìm hiểu. Ông Lương khải Siêu – một học giả Trung Hoa, khi bàn về cái nghiệp trong giáo lý đạo Phật, cũng có một kiến giải mang ý nghĩa sát thực để nhận diện về nghiệp như sau:
“Hình tướng cứu cánh của nghiệp lực như thế nào? Quý vị không nghe câu chuyện của những nhà uống trà chuyên môn sao? Cái bình trà càng cũ càng ngon, nếu cái bình trà ấy xưa nay vẫn chế trà ngon. Vì sao vậy? Là vì mỗi khi pha trà thì trong bình có một sự thay đổi. Tuy mỗi khi uống trà xong, bình súc sạch sẽ chẳng còn thấy gì, nhưng thực ra có một phần chất chè thấm vào bình, lần thứ hai bỏ trà mới vào, chất trà lần trước đã thấm vào bình lại tác dụng ra làm cho trà mới ngon hơn. Cứ như thế lần thứ ba, thứ tư cho đến trăm ngàn lần, lần nào chất trà cũ cũng tác dụng ra, chất trà mới thấm thêm vào càng lâu càng nhiều.
Lúc bấy giờ, không cần bỏ trà, chỉ chế nước sôi (chẳng qua 1 lần) cũng vẫn có mùi vị uống được. Tỷ dụ dùng nha phiến cũng thế, người nghiện thích dùng dọc tẩu cũ là vì đã thấm thuốc nhiều. Vậy chất trà thấm vào bình, chất thuốc thấm vào dọc tẩu, theo danh từ Phật giáo có thể gọi nó là trà nghiệp, yên nghiệp. Tuy nhiên đem thí dụ như thế không được hoàn toàn đúng là vì một đằng thuốc phiện và trà là vô sinh mạng, một đằng là người có sinh mạng; dù sao đứng về phương diện hình tướng của nghiệp, cũng tương tự được vài phần… (lược khảo Phật giáo Ấn Độ, bản dịch của Thích Nguyên Hồng)”.
Sức mạnh và sự tồn tại của nghiệp
Nghiệp lực không có hình tướng, nên không có thể trông thấy được, nhưng nó có một tác dụng vô cùng mãnh liệt.
Như điện lực, tuy không trông thấy được hình dáng ở đâu và như thế nào, nhưng khi đã đủ điều kiện thì nó phát sinh ra nào là ánh sáng, sức nóng, hơi lạnh với sức mạnh vô cùng. Cũng tương tự, nghiệp lực thúc đẩy con người ta cũng theo nhiều trạng huống: người này thích hoàn cảnh này, người kia thích hoàn cảnh nọ… Nó là nòng cốt của mọi tư tưởng, mọi lời nói, mọi việc làm. Chúng ta thường thấy có nhiều người quen thói đánh bạc, nhiều lần thua lỗ, vợ con khóc lóc, bạn bè khuyên bảo, đã quyết tâm xa con bài lá bạc nhiều lần, thế mà mỗi khi làm gì, cũng không quên được sòng bạc. Người ta bảo rằng người ấy có nghiệp đánh bạc. Những người nghiện thuốc phiện, nghiện rượu và trai gái cũng có cái nghiệp riêng của họ cả. Càng đi sâu vào một con đường nào thì cái nghiệp do con đường ấy huân tập càng nặng nề, mãnh liệt chừng ấy.
Nghiệp không chỉ có sức mạnh mà còn tồn tại dai dẳng, không bao giờ chấm dứt, nếu chưa giác ngộ được. Điều này cũng rất dễ hiểu: có nghiệp nhân thì tất có nghiệp quả, nghiệp quả khi đã phát hiện thì lại làm nhân cho nghiệp quả sau, cứ xoay vần như thế mãi, như một bánh xe lăn xuống dốc, sức đẩy của vòng thứ nhất làm nhân cho vòng lăn thứ hai, sức đẩy của vòng lăn thứ hai làm nhân cho vòng lăn thứ ba và cứ tiếp tục như thế mãi cho đến bao giờ hết dốc mới dừng nghỉ.
Nghiệp cũng nằm trong luật nhân quả và bị chi phối của luật nhân quả. Thời gian từ khi nhân phát sinh đến khi quả hình thành, có khi nhanh, khi chậm thì thời gian từ nghiệp nhân đến nghiệp quả cũng có khi mau khi chậm, có khi chỉ trong một đời, có khi hai đời, có khi nhiều đời. Nhưng dù chậm hay mau, đã gây nghiệp thì thế nào cũng chịu quả báo. Trong Khế Kinh có dạy: “Giả sử trăm nghìn kiếp, nghiệp nhân đã làm cũng không mất, khi nhân duyên hội ngộ, thì quả báo đến”.
Các loại nghiệp
Đứng về phương diện thời gian, kinh Nhân quả có chia các nghiệp như sau:
1. Thuận hiện nghiệp: đời nay tạo nghiệp, đời sau thọ quả.
2. Thuận sinh nghiệp: đời nay tạo nghiệp, đời sau chịu quả.
3. Thuận hậu nghiệp: đời nay tạo nghiệp, cách mấy đời sau mới chịu quả.
4. Thuận bất định nghiệp: nghiệp quả xấu đến không nhất định thời nào, có khi trong đời nay, có khi đời sau, có khi nhiều đời sau.
Đứng về phương diện tính chất, trong các kinh thường phân loại các nghiệp như sau:
1, Tích lũy nghiệp: là những nghiệp tạo tác trong nhiều đời trước chất chứa lại.
2. Tập quán nghiệp: là những nghiệp tạo trong đời hiện tại, luôn luôn tiếp diễn nên thành thói quen, thành tập quán, thành nếp sống riêng biệt.
3. Cực trọng nghiệp: là những nghiệp quan trọng có năng lực tác động mãnh liệt hơn cả các nghiệp khác và chi phối tất cả. Nó phát hiện nghiệp quả ngay trong đời hiện tại, hay trong đời kế tiếp. Nó có thể là kết quả của những hành vi tốt đẹp nhất như hành vi của người tu hành chân chính, nó cũng có thể là kết quả của những hành vi xấu xa, vô đạo như tội ngỗ nghịch: giết cha mẹ, giết A La Hán, làm hại Phật và chia rẽ tăng chúng.
4. Cận tử nghiệp: là những nghiệp lực gần lâm chung, cũng rất mãnh liệt và chi phối rất nhiều trong sự đi đầu thai.
Đứng về phương diện nặng nhẹ, lớn nhỏ của các nghiệp thì trong các kinh cũng chia chẻ một cách rất khoa học và hợp lý. Không phải rằng hành động nào có hình thức giống nhau thì nghiệp nhân và nghiệp quả đều giống nhau. Sự khinh trọng, lớn nhỏ của quả báo đều có căn cứ nơi Ý để thành lập. Kinh Ưu Bà Tắc, trong khi nói về sự nặng, nhẹ, lớn nhỏ của nghiệp nhân và nghiệp quả, có phân chia làm bốn trường hợp:
1. Việc nặng mà ý nhẹ: như khi quăng đá để dọa người, mà lỡ tay giết phải người.
2. Việc nhẹ mà ý nặng: như khi thấy một tượng đá, tưởng là kẻ thù của mình, nắm dao đến đâm, kết quả của việc làm là tượng đá bị sứt mẻ, nhưng ý thì nặng bởi muốn giết người.
3. Việc và ý đều nhẹ: như vì không thích một người nào đó, nên dùng lời để châm biếm người ấy.
4. Việc và ý đều nặng: như vì thù địch, cố ý giết người và đã giết thật.
Cũng trong kinh Ưu Bà Tắc, có sự phân chia tội báo nặng nhẹ thành tám loại như sau:
1. Phương tiện nặng nhưng căn bản và thành dĩ nhẹ: như lấy dao dọa người, chẳng may động đến họ, họ bị thương. Phương tiện (cầm dao) thì nặng, nhưng căn bản (dọa người, chứ không phải ác ý) thì nhẹ và thành dĩ (bị thương) cũng nhẹ.
2. Căn bản nặng, nhưng phương tiện và thành dĩ nhẹ: như muốn giết người, nhưng chỉ lấy đá ném và vì thế, họ chỉ bị thương thôi. Căn bản (muốn giết) thì nặng, nhưng phương tiện (lấy đá ném) và thành dĩ (vết thương) đều nhẹ.
3. Thành dĩ nặng, nhưng căn bản và phương tiện nhẹ: như ném đá chơi, chẳng may vỡ sọ người ta. Thành dĩ (vỡ sọ) nặng mà căn bản (chơi) và phương tiện (ném đá) đều nhẹ.
4. Phương tiện và căn bản nặng, thành dĩ nhẹ: như muốn giết người, chém một nhát mạnh vào yết hầu, nhưng người ấy chỉ bị thương xoàng thôi. Phương tiện (cầm dao chém) và căn bản (muốn giết người) đều nặng, nhưng thành dĩ (vết thương xoàng) nhẹ.
5. Phương tiện và thành dĩ nặng, căn bản nhẹ: như vô ý để xe cán người chết. Phương tiện (xe cán) và thành dĩ (người chết) đều nặng, nhưng căn bản (vô ý) thì nhẹ.
6. Căn bản và thành dĩ nặng, nhưng phương tiện nhẹ: như tác ý nói láo, đến nỗi kẻ kia phải bị tù tội. Căn bản (ác ý) và thành dĩ (tù tội) đều nặng, nhưng phương tiện (nói láo) thì nhẹ.
7. Căn bản, thành dĩ và phương tiện đều nặng: muốn giết người và đã dùng dao chém người đến chết. Căn bản (muốn giết người) thành dĩ (người chết) và phương tiện (chém) đều nặng.
8. Căn bản, thành dĩ và phương tiện đều nhẹ: như giả giết bằng cách quơ dao làm người kia sợ trong chốc lát. Căn bản (giả giết) thành dĩ (làm sợ hãi) và phương tiện (quơ dao) đều nhẹ.
Sự phân chia rõ ràng nêu trên, đủ cho chúng ta thấy được sự sai khác nặng nhẹ của nghiệp nhân và quả. Theo đó, chúng ta có thể kết luận rằng sự khinh trọng của nghiệp báo đều dựa trên căn bản ở Ý. Và như thế, chúng ta đừng lấy làm lạ tự hỏi tại sao hai người cùng làm một việc giống nhau, mà thọ quả báo lại khác nhau; hành động giống nhau là bên ngoài, chứ tác ý ở bên trong làm sao chúng biết được? Vì thế, chúng ta không nên nhìn bên ngoài mà phê phán được.
Không nên lầm tưởng nghiệp là hồn
Có người nghĩ rằng, nghiệp chi phối tất cả đời sống con người, nghiệp là chủ động, nghiệp tồn tại mãi mãi, vậy thì nghiệp chẳng khác gì linh hồn bất tử. Đó là một quan điểm sai lầm. Đạo Phật không bao giờ công nhận có linh hồn bất tử. Đạo Phật đã chủ trương mọi sự mọi vật, đều vô thường, thì không lý nào lại công nhận có một linh hồn vĩnh viễn trường tồn, bất biến.
Theo đạo Phật, con người là một sự tổ hợp của năm nhóm (ngũ uẩn) vật chất và tinh thần: sắc (xác thân) và thọ, tưởng, hành, thức (tinh thần). Năm nhóm này biến đổi từng phút từng giây như một dòng nước. Khi mệnh chung, những nhóm ấy tan rã, nhưng kết quả của những hành động về thân, khẩu, ý của người ấy vẫn còn tác động.
Cái còn lại đó là nghiệp. Cái nghiệp này chất chứa những ước vọng thầm kín, nhưng mãnh liệt nhất của con người là sự tham sống và sự luyến ái. Nên biết một kẻ tự tử, cũng không phải là đã hết muốn sống. Họ không muốn sống cái đời họ đang sống nên họ muốn chấm dứt nó để sống một đời sống khác tốt hơn. Và như thế, động lực của sự tự tử vẫn là do lòng tham sống mãnh liệt hơn. Lòng tham sống và ái dục là những nguyên nhân chính của những hành động của con người lúc sống, thì khi chết, cái kết quả của những hành động ấy vẫn là lòng tham sống và ái dục.
Do lòng tham sống và ái dục ấy nên khi mệnh chung, nghiệp lực rời bỏ thân xác này và đi tìm một thân xác khác gá vào để thỏa mãn những ước vọng tham dục của mình. Đó là nguyên nhân của kiếp sau (bất cẩn kiếp sau như thế nào). Như thế, không cần có một linh hồn bất biến mới có đời sau. Theo kinh điển và Tổ thầy dạy: Sự nối tiếp từ đời này sang đời khác là do ở nghệp cả. Nghiệp là động lực chính của dòng sinh mạng nối tiếp từ kiếp này sang kiếp khác, cũng như gió là nguyên nhân làm cho sóng dậy và tiếp nối từ làn này sang làn khác. Bao giờ còn gió nghiệp thì còn gió đời. Gió nghiệp dừng nghỉ thì biển đời sẽ thành tịnh. Và khi ấy sẽ không còn sống chết.
Hành tướng của nghiệp lực trong khi đi đầu thai
Sau một thân mạng đã chút hơi thở cuối cùng, nghiệp lực rời bỏ thân mạng ấy để đi tìm một thân mạng khác gá vào. Dẫn dắt bởi ái dục, nó đi tìm những cuộc giao phối giữa nam nữ. Nghiệp nhân quá khứ như thế nào thì nó đi tìm hoàn cảnh thích hợp với nghiệp nhân như thế ấy. Hoàn cảnh ấy đạo Phật gọi là y báo. Y báo có thể sáng sủa hay tối tăm, an vui hay buồn chán, thanh tịnh hay ô uế… tùy sự lựa chọn thích hợp của nghiệp quá khứ. Để minh họa cho dễ hiểu, cố HT.Thích Thiện Hoa dụ về điều này như sau: “Như luồng điện phát ra ở đài phát thanh ngắn hay dài, bao nhiêu kích thức thì nó sẽ tìm máy thu thanh vặn đúng kích thức ấy để vào đầu thai.
Chỉ có khác là luồng điện có thể vào một lúc nhiều máy thu thanh, còn nghiệp lực thì chỉ đi đầu thai ở một nơi mà thôi. Một cái thai đậu được phải đủ ba yếu tố: tinh cha huyết mẹ, thần thức và nghiệp lực.Thiếu một trong ba yếu tố ấy, thai sẽ không thành. Khi thai đã thành là một đời sống mới bắt đầu. Nói là mới, nhưng thật ra cái đời sau này vẫn còn mang những mầm giống của nghiệp nhân quá khứ. Những nghiệp nhân này cứ tuần tự theo với thời gian và tùy hoàn cảnh mà phát triển dần. Những nghiệp nhân nào vì chưa đủ trợ duyên để phát hiện ra nghiệp quả trong đời này, thì có thể phát sinh trong một đời sau, nếu hội đủ nhân duyên”.
Nhưng một nghiệp lực không phải chỉ quanh quẩn trong cảnh giới người, mà có thể đi tìm một cảnh giới khác trong sáu cảnh giới mà đạo Phật thường nói đến là: Thiên, Nhân, A tu la, Ngạ quỷ, Súc sinh và Địa ngục. Đây là những cảnh giới còn nằm trong sự cuốn hút của tam giới và bị chi phối của nghiệp, nên trong Phật giáo gọi là Lục đạo luân hồi.
Thay lời kết
Thời đức Phật còn tại thế, có một thanh niên uất ức trước tình trạng bất công của con người và muốn tìm cho ra chân lý của sự bất công này nên đã đến hỏi Phật.
– Bạch đức Thế Tôn, đâu là nguyên nhân, là nguồn gốc của sự bất công giữa chúng sinh? Tại sao có người chết yểu, có người sống lâu, có kẻ mạnh khỏe, có người tàn tật, có kẻ xấu xa, có người đẹp đẽ, có kẻ cô độc, có người đông con, có kẻ nghèo khó, có người giàu sang, có kẻ sinh ra trong gia đình đê tiện, có người sinh ra trong dòng tộc quý phái, có kẻ ngu muội, có người khôn ngoan?
Đức Phật đã trả lời vắn tắt, nhưng đầy ý nghĩa như sau:
– Mỗi chúng sinh có những hành vi riêng; những hành vi ấy là món quà gia bảo, làm vật di truyền, làm người bạn chí thân, làm chỗ nương tựa của họ. Chính những hành vi ấy là cái nghiệp đã làm cho chúng sinh khác nhau trong cảnh trạng dị đồng vậy.
Cũng nội dung trên, trong kinh Atthasalissi lại dạy rõ hơn:
“Do sự khác nhau trong nghiệp mà có những sự khác nhau trong chúng sinh, kẻ sinh ra trong gia đình quyền quý, người sinh ra trong gia đình đê tiện; kẻ sinh ra trong sự nguyền rủa, người sinh ra trong sự tôn trọng; kẻ sinh ra được hưởng hạnh phúc, người sinh ra phải chịu khổ sở”.
Như vậy thì mọi sự việc xảy ra cho mọi người là do tác động của nghiệp cả. Qua giáo lý kinh điển cũng như các Tổ thầy dạy, bài viết này cũng đã phần nào giúp chúng ta nhận diện được sự vận động của nghiệp và tác dụng của nó trong đời sống con người. Nhận diện được nghiệp dẫn trong giáo lý sâu mầu của đạo Phật, có nghĩa là giúp chúng ta điều chỉnh được những hành vi xấu ác để hướng đến sự cao thượng hơn. Đó là mục đích mà giáo lý đạo Phật hướng tới và đem lại hạnh phúc an lành cho con người và muôn loài.
Nguyễn Đức Sinh/ Vườn hoa Phật giáo