TIẾT KIỆM
Tiết kiệm nghĩa là không bỏ đi những gì vẫn còn có thể sử dụng được. Người Việt Nam có văn hóa nhặt hạt cơm rơi để ăn chứ không bỏ. Văn hóa đó dạy ta biết bao nhiêu điều quý giá. Mỗi hạt cơm đến được mâm cơm là đã đi qua nhiều chặng đường khó nhọc. Một hạt cơm thì rất ít ỏi nhỏ bé, nhưng chứa đựng nhiều công lao gắn theo đó. Ta yêu quý hạt cơm nghĩa là ta yêu quý tấm lòng và công lao gắn theo đó. Đạo đức chính là chỗ ta yêu quý được tấm lòng và công lao của người khác.
Tệ bạc chính là khi ta thờ ơ trước tấm lòng và công lao của người khác. Ai cũng quý công lao của mình, ai cũng thấy quan trọng tấm lòng của mình. Ta đặt mình vào tâm người sẽ hiểu điều này, thế nên, đừng phụ bạc người, đừng làm tổn thương người, ta phải biết yêu quý tấm lòng và công lao của mọi người.
Tấm lòng và công lao của người được bày tỏ trong tất cả món đồ, vật dụng, thực phẩm, tiền bạc, mà đã đến được với cuộc đời ta. Có khi ta không dùng hết, nhưng đừng dại khờ vất bỏ vì chúng vẫn còn có thể được sử dụng cho người khác, cho trường hợp khác.
Người biết tiết kiệm từng chút thì sẽ được luật Nhân quả đưa đến một cuộc đời không bị thiếu thốn.
Còn người hay phí phạm, thấy thừa một chút là vất bỏ, sau này sẽ rơi vào tình trạng thiếu trước hụt sau.
Nhất là những ai cứ vất thức ăn thừa vào thùng rác thì sẽ có lúc moi tìm thức ăn trong thùng rác trở lại.
Người dùng tiền phí phạm sai mục đích, sẽ thiếu tiền.
Người sai gia nhân thuộc hạ làm chuyện vô bổ, sẽ cô độc trơ trọi.
Người đập nhà còn tốt, sau này có lúc homeless.
Người uống nước không hết bỏ dở, sau này có lúc ở sa mạc hay rơi vào tình trạng khát khô vì không có nước uống.
Người nóng lên đập phá đồ đạc, sau này tìm cái bàn, cái ghế, cái bát, cái cốc không ra.
Người đun củi cho lửa cháy phừng phừng không cần thiết, sau này thiếu thốn chất đốt…
Ngược lại, những ai tinh tế tiết kiệm mọi thứ, thì sẽ không bị thiếu thốn.
Nguồn: Trang Nghiêm Tịnh Độ
Nền tảng đạo đức (số 19)
HOAN NGHÊNH SAO CHÉP-CHIA SẺ, RỘNG KẾT THIỆN DUYÊN _(())_