Muốn làm phước thật không hề dễ dàng, vì không phải lúc nào ta cũng có sẵn tiền để làm một cách thoải mái như người giàu có.
Mong muốn giúp người thì nhiều, mà tiền trong túi thì ít, đó là nỗi khổ tâm của nhiều người.
Nhưng nếu ta không giúp thì không có gì xảy ra nữa, mưa cứ rơi và nắng cứ rọi, cuộc đời cứ trôi qua và ta sẽ không tạo được phước.
Vì vậy, dù trong hoàn cảnh eo hẹp của mình, ta vẫn tìm cách tạo công ăn việc làm cho người này hoặc giới thiệu mối làm ăn cho người kia, hay vận động mọi người cùng chung nhau giúp đỡ người nọ…
Ta suy nghĩ tìm rất nhiều cách để giúp người, đó chính là cái nhân để chính ta sẽ đạt được trí tuệ.
Hơn nữa, vì người giàu sang đã sẵn tiền bạc nên khi cần giúp người họ không bận tâm suy nghĩ lắm, không cần vất vả tìm cách lắm, nên phước của họ cũng sẽ không lớn.
Còn người không dư dả thì phải tìm nhiều cách mới giúp được người khác, chính việc loay hoay, vắt tâm kiệt óc để tìm cách đó làm cho họ dần tích lũy được phước lớn.
Về sau họ chắc chắn sẽ thành tựu cái phước về trí tuệ.
Nên trong cuộc sống chúng ta thấy có những người vừa giàu vừa khôn là cũng bởi vì vậy, vì đời trước họ dù nghèo nhưng vẫn cố gắng tìm cách làm phước.
Kiếp sau, quả báo trổ ra là họ vừa giàu vừa khôn ngoan.
Còn người giàu nhưng không khôn ngoan lắm, không có trí tuệ lắm là vì sao?
Vì đời trước họ làm phước quá dễ, chỉ cần móc tiền túi ra cho, không cần phải tìm cách.
Nhờ cái phước bố thí, đời sau họ sẽ rất giàu, tuy nhiên “không cần phải khôn” lắm.
Trích sách: “ĐẠO PHẬT VÀ XÃ HỘI” tập 3 – BI TRÍ DŨNG – trang 427, 428 do Tiến sĩ Luật học, Thượng tọa Thích Chân Quang biên soạn.