Hiện nay, nhiều chùa và nhiều người nghĩ thỉnh chuông là để cho tiếng chuông vọng tới địa ngục, làm thức tỉnh và xoa dịu bớt khổ đau nơi ngục tối. Họ đã thỉnh chuông trong niềm tin như thế:
Chuông đại hồng mới vọng
Tiếng kệ xướng đã vang
Trên vọng tới thiên đường
Dưới thông về địa phủ.
Như vậy có nghĩa là chúng ta thỉnh chuông cho chư thiên nghe, để cho họ hạnh phúc hơn và để những người ở địa ngục nghe cho bớt khổ. Điều này có thể có, nhưng trước hết tiếng chuông có tác dụng phụng sự những người đang sống. Vì vậy người sống trên mặt đất phải nghe tiếng chuông, thở theo chuông và có hạnh phúc với chuông.
Nếu chúng ta không làm được chuyện đó thì chẳng lẽ đạo Bụt chỉ để cho chư thiên và những âm hồn dưới địa ngục hay sao? Chúng ta phải nhớ thỉnh chuông trước hết là cho đại chúng – từ các vị sư trưởng cho đến các thầy lớn, các sư cô lớn, các thầy trẻ, các sư cô trẻ và các sư chú – cùng thực tập.
Ngôi chùa là ngôi nhà linh thiêng lãnh đạo tâm linh trong làng. Vì vậy, tiếng chuông cũng có ảnh hưởng đến đời sống dân chúng trong làng. Nhiều bà mẹ thức dậy theo tiếng chuông. Những người Phật tử chân chính sẽ biết nghe chuông và thở theo chuông trong khi nấu cơm, làm thức ăn cho chồng con trước khi đi làm ruộng. Nếu có nghe chuông, nếu từng đi chùa, từng được nghe giảng hay nghe tụng kinh thì hạt giống tâm linh đó đã được gieo trồng trong tâm thức của ta dù ta là một cô bé, là một chàng thanh niên hay một cô thiếu nữ sống trong làng.
Người ăn trộm đang dùng thanh sắt để mở khóa một ngôi nhà, đột nhiên nghe tiếng chuông thì hạt giống lương thiện trong người đó được tưới tẩm và người đó có thể dừng lại, không xâm nhập vào nhà người khác nữa. Một người cầm dao muốn sát hại người khác, đang đưa dao lên, bỗng nghe tiếng chuông đại hồng thì giật mình nghĩ lại hành động này có thể đưa mình xuống địa ngục và buông dao xuống. Những chuyện như vậy đã từng xảy ra trong xóm làng, trong xã hội. Đó là nhờ ảnh hưởng của tiếng chuông. Tiếng chuông có tác dụng thức tỉnh, làm sống dậy lương tri của con người để họ đừng nhúng tay vào tội ác. Tiếng chuông không chỉ phục vụ các thầy, các sư cô mà còn phục vụ cho cả làng xóm, khu phố. Vì vậy tiếng chuông rất quan trọng!
Vị tri chung phải đem hết trái tim của mình để thỉnh chuông. Tiếng chuông là một thông điệp của lương tri, của trí tuệ, của lòng từ bi. Thỉnh chuông như vậy thì vị tri chung gửi theo được từ bi và trí tuệ vào tiếng chuông.
Ba nghiệp lắng thanh tịnh
Gửi lòng theo tiếng chuông.
– Thích Nhất Hạnh –