Nếu mình muốn có nhiều tiền để mua sắm thì mình phải làm việc rất nhiều, mình không có thì giờ để chăm sóc, thương yêu chính mình và chăm sóc cho người khác. Vì vậy mình không có hạnh phúc. Nếu ai cũng sống giản dị như Bụt thì hạnh phúc lắm, vì mình có nhiều thì giờ để thương yêu.
Cuộc đời của Bụt là cuộc đời của sự thương yêu. Cho nên mình gọi Bụt là Đức Từ Bi. Đức Từ Bi nói nôm na là người biết thương, người có khả năng thương và thương được rất nhiều người. Sở dĩ thương được nhiều người là nhờ mình có tu tập.
Nếu không có tu tập thì thương một người cũng khó chứ đừng nói nhiều người. Cứ lên, xuống, hệ luỵ rất nhiều. Cho nên phải học thương. Hạnh phúc không nằm ở chỗ tiêu thụ. Hạnh phúc nằm ở chỗ ta có thì giờ để chăm sóc cho chính mình, cả về thân và tâm, cũng như có thì giờ để chăm sóc và thương yêu những người khác.
Hiểu và thương là hai yếu tố căn bản của hạnh phúc. Nếu không có hiểu thì không có thương. Người thực sự thương mình là người có khả năng hiểu mình và mình có thể nhận diện người đó dễ dàng. Người đó có khả năng lắng nghe mình. Mình nói điều gì người đó cũng lắng nghe và hiểu được. Còn mình nói điều gì cũng cắt lời mình và chỉ muốn nói cho mình nghe thôi thì mình biết người này không có khả năng lắng nghe, không có khả năng hiểu mình và người đó có thể làm cho mình khổ suốt đời.
– Thích Nhất Hạnh –