Chúng ta đã được nghe rằng giáo pháp của đức Thế Tôn là vượt thoát thời gian, là đến để mà thấy, là có hiệu nghiệm ngay trong giờ phút hiện tại. Vì vậy tu tập không phải là để cho một hạnh phúc mơ hồ viễn vông nào trong tương lai, mà là để có sự bớt khổ ngay trong hiện tại, và bắt đầu có được hạnh phúc và an lạc ngay trong giờ phút hiện tại. Giáo pháp mà chỉ hứa hẹn hạnh phúc trong tương lai mà không có khả năng làm vơi bớt sầu khổ trong giờ phút hiện tại thì giáo pháp đó không phải là giáo pháp đích thực của đức Thế Tôn.
Giờ phút mà chúng ta biết thở vào và mỉm cười, thở ra và buông thả thì giờ phút đó chúng ta đã bắt đầu bớt khổ rồi. Giờ phút mà chúng ta mở cửa đi thiền hành thì ngay những bước đầu đã đem lại sự thư thái buông thả cho chúng ta. Vì vậy giáo pháp có khả năng đem lại sự chuyển hóa ngay từ khi chúng ta bắt đầu sự thực tập, và sự an lạc đó chúng ta có thể thừa hưởng được ngay trong giờ phút hiện tại. Chúng ta phải đem giáo lý này truyền bá bằng cách tự mình thực tập và khuyên những người xung quanh thực tập.
Thực tập như thế nào để mỗi giây phút trong đời sống hàng ngày chúng ta có thể tiếp nhận được những chất liệu nuôi dưỡng ta. Đó là chất liệu vững chãi và thảnh thơi. Nếu không có sự vững chãi và thảnh thơi thì chúng ta không có hạnh phúc. Có thêm yếu tố vững chãi và thảnh thơi chúng ta mới làm chỗ nương tựa cho chính ta, và làm chỗ nương tựa cho những người ta thương được. Còn nếu ta thay đổi hoài như cái chong chóng, nếu ta không có sự bình an và vững chãi trong thân tâm thì ai có thể nhờ cậy được ta. Chính ta cũng không có thể nhờ cậy được ta nữa. Vì vậy phải bước những bước vững chãi, ngồi cho vững chãi, thở cho vững chãi, phải thực tập sự vững chãi đó trong khi nấu ăn, quét dọn, lái xe, làm việc, tưới rau, tiếp khách.
Mỗi giây phút của đời sống hàng ngày là để chúng ta thực tập nuôi dưỡng sự vững chãi trong ta.
Yếu tố thứ hai là thảnh thơi. Ta không bận rộn quá, không xoay như một con chong chóng, không bị cuộc sống hàng ngày xô đẩy như là một cái nút chai nằm trên mặt nước bị những đợt sóng xô đẩy. Chúng ta phải có tự do. Tự do này không phải là tự do chính trị, mà tự do đối với những sự ràng buộc như là sự tham đắm, vướng mắc, giận hờn, ganh tỵ và si mê.
Có những sự bận bịu hàng ngày có tính cách vô ích, không đáng để cho ta bận tâm. Nếu ta đem tâm lực và thì giờ của ta để vào những cái vô nghĩa đó thì rất uổng. Tự do có nghĩa là ta biết cái gì là quan trọng nhất, cái gì có thể đem lại hạnh phúc và an lạc cho ta và cho những người chung quanh và những cái gì thật sự không có ích lợi gì cả, chỉ làm mất thì giờ và năng lượng của ta. Không để bị chìm đắm và lôi cuốn trong những cái đó, thì lúc đó ta bắt đầu có tự do.
– Thích Nhất Hạnh –