Mặc dù không cảm nhận rõ ràng lắm, tuy nhiên ta có một cái chấp rất khủng khiếp đó là chấp vào cơ thể, thân xác của mình. Tài sản, danh dự, tình cảm là cái bên ngoài, còn cơ thể dường như là của mình, nằm nơi chính mình, vì thế nó là cái chấp gốc rễ, cái chấp nặng nề nhất của tất cả chúng sinh.
Phật dạy: “Sắc này không phải của ta, thọ, tưởng, hành, thức này không phải của ta”. Phật dạy quán thân vô thường rất kỹ để đánh ngay vào cái chấp gốc rễ này.
Cho nên, để đi vào cái lõi của sự tu hành tâm linh chúng ta buộc phải nghiệm ra thân xác này không phải của ta. Ta nghĩ tới nghĩ lui, nghiệm tới nghiệm lui. Cả khi lễ Phật, ra, tọa thiền ta cũng nghiệm rằng thân xác là vô thường, không phải của mình: nay còn lại mất, mình muốn nó khỏe nhưng nó không khỏe, muốn nó đừng bệnh nó cứ bệnh, muốn nó ngủ nhưng nó cứ thức, muốn nó trẻ đẹp nhưng nó vẫn già cỗi… Thân này được sinh lớn lên, rồi sẽ già, sẽ bệnh, một ngày nào đó sẽ chết rồi tan hoại. Sau khi chết thân này sẽ sinh trương, bốc mùi hôi thối, đầy dòi bọ, không còn hình dáng rất ghê sợ. Thời gian sau thịt da tan rã, khô héo chỉ còn lại bộ xương khô. Rồi qua nhiều năm tháng xương mục nát, tan thành tro bụi và gió thổi bay đi. (Chúng ta phải thực hành quán thân vô thường cho thuần thục, nhất là từ khi chết cho đến khi xương rã tan thành tro bụi bay luôn).
Con nguyện hiểu rằng chẳng có ta
Chỉ là trời đất rất bao la
Thân tâm giả tạm làn sương sớm
Vĩnh kiếp nương theo bóng Phật đà.
Nếu ta nghiệm sâu được điều này thì tất cả những cái chấp khác đều tan vỡ, bởi thân này còn không phải của ta thì trên đời này có cái gì là của ta?
Tức là cứ phá cái chấp thân thì mọi cái chấp khác như tài sản, danh dự, địa vị, tiếng tăm, tình cảm… cũng sụp đổ. Trí tuệ của Phật tuyệt đối là vậy. Ngài dạy chúng sinh đến cái cây ngay từ gốc (tức là đến cái chấp thân) để mọi cành lá (những cái chấp khác) tự nhiên rơi rụng theo.
Ai thực hành được đúng như lời Phật dạy sẽ thấy lòng thênh thang như mây trời, sẽ thấy điều mầu nhiệm của tâm linh.
Trích sách: Nói với chính mình – TT. Thích Chân Quang.