Ngày 8/3, người phụ nữ trên khắp thế giới đều được tôn vinh và tri ân. Còn trong đạo Phật, nếu nhắc đến hình ảnh một người phụ nữ đáng để đời đời chúng sinh kính ngưỡng và noi gương công hạnh của Ngài, thì đó chính là công nương Yashodara (Da Du Đà La), mà sau này là Tỳ Kheo Ni Yashodara, một trong những vị Thánh đệ tử Ni vĩ đại của Đức Phật. Nhờ có Ngài, giáo pháp của Đức Phật đã được lưu truyền đến tận ngày hôm nay cho chúng ta được thọ nhận bao điều lợi ích và màu nhiệm.
Chúng ta hãy cùng hướng tâm thành hết lòng kính ngưỡng và tri ân Ngài Tỳ Kheo Ni – A La Hán Yashodara qua lời kể của Ngài Nanda (Nan Đà) nói với Ngài Rahula (La Hầu La), và qua lời của Ngài Ananda (A Nan Đà) khi xin Đức Phật cho công nương Yashodara xuất gia, trích trong Bộ truyện tranh Đỉnh Núi Tuyết – tập 17 – “Bước chân Ni giới”:
* Tôn giả Nanda nói với Sa di Rahula khi đi khất thực:
– Này Rahula, trước khi Thế Tôn chưa xuất gia, Thế Tôn đã xây dựng một quyền lực ngầm chi phối khắp các nước chung quanh với mục đích bảo vệ Sakiya. Sau khi xuất gia, mẹ cháu đã tiếp quản quyền lực đó với lực lượng thám tử rất đông. Mẹ cháu vẫn điều khiển các thám tử để bảo vệ Sakiya, và bây giờ thì bảo vệ Thế Tôn trước những sự chống đối của các ngoại đạo. Mẹ cháu đã hướng dẫn cho ta biết điều khiển lực lượng thám tử rộng lớn này với ước mong ta sẽ kế thừa quyền lực, nhưng bất ngờ ta theo Thế Tôn xuất gia. Mahanama lên ngôi vua nhưng không đủ năng lực chỉ huy lực lượng ngầm này, nên mẹ cháu bây giờ phải tiếp tục giữ quyền chỉ huy rất vất vả.
Này Rahula, nếu trên đời có một phụ nữ để ta kính phục tôn thờ thì chính là mẹ của cháu. Sự tận tụy, hi sinh của mẹ cháu là vô bờ bến. Tấm lòng của mẹ cháu đối với đất nước, với Thế Tôn, là không ai có thể so sánh.
Này Rahula, sau khi đắc đạo quả A La Hán, ta dùng tuệ nhãn quan sát và biết rằng mẹ cháu khao khát được xuất gia làm Ni để theo chân Thế Tôn và theo cháu suốt đời còn lại. Nhưng nếu mẹ cháu rời bỏ lực lượng thám tử bí mật này thì Thế Tôn thiếu mất một cánh tay hộ pháp đắc lực. Vì càng về sau, các thế lực ngoại đạo chống phá Thế Tôn càng dữ dội.
Này Rahula, chỉ khi nào có người tiếp quản lực lượng thám tử bí mật đó rồi thì mẹ cháu mới có thể tính đến chuyện xuất gia. Ta dùng tuệ nhãn quan sát và biết rằng nhân duyên này thuộc về cháu. Cháu sẽ là người có mật hạnh đệ nhất, hóa độ chúng sinh theo cách khác thường, hộ pháp cho Thế Tôn theo cách bí mật riêng. Cháu sẽ phải tiếp quản lực lượng thám tử bí mật này để mẹ cháu yên tâm xuất gia.
Này Rahula, công đức của mẹ cháu là vô lượng. Từ khi Thế Tôn xuất gia, lúc nào mẹ cháu cũng cho thám tử bảo vệ và hộ trì Thế Tôn. Suốt sáu năm Thế Tôn tu hành khổ hạnh, người của mẹ cháu ngày đêm chăm sóc cho Thế Tôn và năm anh em Kondanna (Kiều Trần Như). Mẹ cháu luôn lo liệu từng bước đi của Thế Tôn để ngấm ngầm hỗ trợ. Sự giáo hóa của Thế Tôn được thành công cũng có sự góp công rất lớn của mẹ cháu. Với những công đức đó, mẹ cháu sẽ mở ra một trang mới cho nữ giới. Đó là sẽ xuất hiện Ni giới đầu tiên.
* Tôn giả Ananda xin Phật cho Công Nương Yashodara xuất gia:
Bạch Thế Tôn, Công Nương Yashodara là một người vợ vĩ đại nhất trên thế gian này, khi Thế Tôn rời bỏ hoàng cung lang thang đi tìm đạo lý, khi Thế Tôn sống khổ hạnh rừng sâu, Công Nương Yashodara chưa bao giờ rời khỏi Thế Tôn, luôn tìm cách hỗ trợ Thế Tôn đủ mọi thứ, luôn sống khắc khổ như Thế Tôn đang sống. Khi Thế Tôn đã thành đạo bắt đầu giáo hóa, Công Nương Yashodara luôn âm thầm tìm mọi phương cách để phụ giúp Thế Tôn.
Bạch Thế Tôn, bây giờ cung điện ở Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ) chẳng còn ý nghĩa gì với Công Nương Yashodara khi mà người chồng yêu kính nhất, đứa con yêu thương nhất đã trở thành Sa môn siêu thoát lang thang trên mọi nẻo đường. Đức Bà, Công Nương và cả trăm cung nữ đã bỏ hết hài dép để đi bộ từ Kapilavatthu về đây. Thật không còn điều gì có để cảm động hơn nữa. Nếu phải chết, chắc chắn Công Nương Yashodara chỉ muốn được chết bên cạnh Thế Tôn và Sa di Rahula. Con cúi xin Thế Tôn hãy độ cho công nương Yashodara được xuất gia trong Chánh Pháp của Người.