Chúng ta sẽ thấy đúng, khi mà các vị cứ gặp cơn bạo bệnh nằm một chỗ, các vị sẽ thấy những điều ý nghĩa nhất không phải vật chất bên ngoài. Dù khi đó chúng ta có là tỷ phú giàu nhất nhì thế giới đi nữa thì tất cả tiền tài, của cải cũng không giúp được ta thoát khỏi cơn bạo bệnh và đặc biệt là thoi thóp trước cái chết, đối mặt với tử thần. Mà thậm chí lúc đó chúng ta còn lo lắng hơn khi của cải này của ta phải giao phó cho ai: con trai hay con gái, cháu nội hay cháu ngoại,… nó có giữ được không? Bao nhiêu năm ta vất vả gian truân, lao tâm khổ tứ, làm lụng ngày đêm, nay nằm trên giường bệnh rồi mới biết rằng tất cả của cải vật chất bên ngoài không thể giúp ích ta nhiều, có chăng đi nữa là có thể lựa chọn được bác sĩ tốt và chọn được thuốc tốt mà thôi; có bác sĩ tốt và thuốc tốt nhưng mệnh của mình hết thì cũng chẳng thể làm gì được, thọ mạng không còn thì Hoa Đà tái thế cũng vô phương cứu chữa. Cho nên, những điều ý nghĩa thực sự phải đến từ nội tâm. Trong Kinh, Đức Phật đã dạy “Thiểu dục tri túc, tâm thường lạc” – ít ham muốn, thường biết đủ thì trong tâm sẽ an lạc, hạnh phúc. Bằng không chúng ta cứ tham cầu, ước muốn hết cái này đến cái kia, rong ruổi đuổi theo sự vật hiện tượng ở bên ngoài; rồi chúng ta sẽ nhận lấy hết nỗi khổ này đến nỗi khổ kia, hết lo lắng này đến lo lắng kia, vụt một cái nhìn lại đã 40, 50 tuổi rồi. Mới ngày nào ta còn trẻ còn khỏe, căng đầy sự sống. Bẵng đi một thời gian, soi gương nhìn tóc đã bạc, da đã mồi, sức khỏe thì yếu đi; chúng ta thấy rằng mình đã già. Người nào mà biết đến Phật Pháp, biết lấy đạo làm vui, biết làm lành lánh dữ hành thiện còn đỡ; người nào không biết đến Phật Pháp mà đi sát sinh hại vật, làm các việc ác, tiêu tốn đi cái phúc thì càng giảm bớt thọ mệnh của mình, cận tử nghiệp đến thì lo lắng vô cùng…
– Trích Lược giảng An Sỹ Toàn Thư – Đ.Đ ý nghĩa đích thực của cuộc sống nằm ở nội tâm chứ không phải vật chất bên ngoài – DD Thích Đạo Thịnh –