Phật Pháp sẽ vững bền nếu đệ tử Phật có lòng trung thành tuyệt đối. Trước khi chọn Phật Pháp để đi theo thì ta phải nghiên cứu kỹ. Đến khi nhận ra sự cao siêu kỳ tuyệt phi thường của Phật rồi thì ta quyết định phải đi theo con đường của Đức Phật. Nhưng cái phát tâm đi theo Phật đó có nhiều mức độ khác nhau.
Có người nguyện đi theo Phật với mức độ quyết tâm in ít, nghĩa là tu ít bữa cho vui rồi có ai nói ra nói vào, có cái gì vui hơn, có chút khó khăn, liền bỏ tu, không theo nữa.
Có người nguyện đi theo Phật với quyết tâm mạnh hơn chút xíu, đi được vài năm, rồi cũng có những chuyện xảy ra, bị ai rỉ tai tác động, gặp cám dỗ, đụng khó khăn, bèn thoái tâm.
Có người nguyện đi theo Phật mạnh hơn, có thể xuất gia, nhưng cũng vậy, nếu bị tác động bởi kẻ xấu, gặp cám dỗ hay nghịch cảnh, khi tự ái hay buồn chán, là hoàn tục bỏ chùa.
Còn người nào thành tựu được phẩm chất TRUNG THÀNH TUYỆT ĐỐI thì mới đủ sức theo Phật đến vô lượng kiếp cho đến khi chứng đạo viên mãn.
Muốn có được tâm Trung thành tuyệt đối đó thì cần phải có hai điều căn bản. Một là phải trung thành với chính sư phụ hiện tại của mình, vì có sư phụ hiện tại thì mình mới có cánh cửa đi vào đạo. Hai là hàng ngày phải phát nguyện trung thành, phát nguyện với lời thề độc chứ không phải phát nguyện hời hợt. Nếu phản bội thì quả báo thê thảm sao đó tự mình nghĩ ra. Không thề độc mỗi ngày thì không thành tựu được tâm trung thành tuyệt đối đâu. Thề độc vì sự trung thành mãi cho đến khi phẩm chất Trung thành tuyệt đối hiện ra trong tâm, như viên kim cương không gì cứng sắc bằng, như núi cao không gì nghiêng đổ được, như biển cả mênh mông không bao giờ khô cạn, như lưỡi gươm thiêng cắt đứt mọi nghi nan.
Khi phẩm chất Trung thành tuyệt đối hiện ra rồi thì có hai tư tưởng, hai quan điểm khởi lên. Một là, cuộc đời này là của Phật Pháp của sư phụ. Hai là, bất cứ cái gì của mình, từ vật chất đến tinh thần hay công lao đều là của Phật Pháp của sư phụ. Nghe có vẻ như cực đoan, nhưng chỉ những ai đạt đến cảnh giới của Tâm trung thành tuyệt đối này mới hiểu cái cảm giác hạnh phúc đó, mạnh mẽ và bao la.
Ai thành tựu được phẩm chất Trung thành tuyệt đối rồi thì uy đức lay động cả quỷ thần cả trời đất.
Phật Pháp cần có những người đạt được cảnh giới trung thành như thế đã đành, mà quốc gia cũng cần những con người trung thành đến mức độ cực điểm như thế, thì mới đủ sức chống đỡ những âm mưu hiểm độc đánh phá từng ngày.
Muốn phá đạo hay hại nước, kẻ giặc phải bí mật móc nối lôi kéo dụ dỗ cho bằng được nhiều người theo chúng. Chúng dùng rất nhiều kỹ thuật như hứa hẹn, cho tiền, khen ngợi, danh vọng, nhà cửa, gài bẫy để khống chế, nắm gia đình để ép buộc… Đa phần con người đều bị gục ngã khi bị giặc ra tay lôi kéo với các phương thức tinh vi như thế. Chỉ những ai đạt được tâm trung thành tuyệt đối thì mới tránh được cái bẫy của giặc.
Sự trung thành tuyệt đối cũng tạo thành sức mạnh cho đạo pháp và dân tộc. Người ta dám đem hết cuộc đời mình để phụng sự cống hiến cho cái chung thiêng liêng mà không tính toán riêng tư cho cá nhân mình.
Hình như tất cả các bậc thánh đều đạt được cảnh giới Trung thành tuyệt đối như vậy cả.
Con mà phản bội quê hương
Thì con sẽ chết thảm thương hình hài
Nếu con phản bội Như Lai
Thân con lửa đốt qua vài triệu năm
Ân tình sư phụ cao thâm
Con mà phản bội đọa cầm thú luôn
Trong từng hơi thở con luôn
Sống vì nghĩa lớn đến muôn vạn lần
Nếu còn một chút cá nhân
Thì con sẽ chịu tan thân nát người….