“Chúng ta biết mình có lỗi đó nhưng phải sửa bằng cách nào? Phải sửa bằng cách sám hối. Khi ta biết ta có lỗi nóng nảy, hơn thua, ích kỷ, tham lam, giải đãi,… thì chúng ta phải lên lạy Phật sám hối. Có khi phải sám hối 3 năm, lỗi đó mới dứt, chứ không phải là 1 – 2 lần là được. Lỗi đó mình phải quỳ trước Phật, sám hối đi sám hối lại cả 3 năm trời, có khi còn nhiều hơn nữa.
Mỗi ngày chúng ta quỳ trước Phật và xin Phật: “Kính lạy Phật, đời xưa con là người nóng nảy, con xin sám hối điều này trước Phật. Trước đây, con đã nói nặng lời với người này, đã cau có với người kia, đã trách cứ người nọ,… bao nhiêu ác nghiệp đó, ngày nay con xin sám hối. Và nguyện đời đời kiếp kiếp, xin Phật gia hộ cho con hết được nghiệp duyên nóng nảy này. Đối với ai con cũng từ hòa, thương yêu, biết nhẫn nhục, nhu thuận, để đem đến cho mọi người sự an vui, tươi mát, tốt lành”.
Một ví dụ khác về người cư sĩ lỡ mắc tật nghiện rượu. Bây giờ mình thấy việc nghiện ngập này không tốt cho đời mình, lúc say là gây bao đau khổ cho người xung quanh nhưng bỏ không được. Biết là vậy, nhưng khi bạn bè tới rủ lại tiếp tục đi uống. Thấy được điều đó là sai lầm nên phải sám hối, cứ quỳ lạy Phật và tâm nguyện trong lòng: “Con bị tật nghiện rượu, đây là lỗi si mê nên con thành tâm xin sám hối”.
Cứ tu tập như vậy, lỗi nào cũng vậy, đem sám hối là tự nhiên mình chặn được lỗi đó lại, nhờ công đức lạy Phật sám hối mà nó mới bớt bùng phát lên. Dù biết lỗi đó còn, chưa hết ngay được nhưng nó không khởi lên rồi thành nghiệp sâu dày, sau này khó mà kiềm chế được.
Mỗi ngày, chúng ta cứ sám hối lỗi lầm và phát nguyện như vậy. Lâu ngày, dần dần lời phát nguyện ấy đánh vào đúng lỗi gốc từ nhiều kiếp của chúng ta”.
Trích bài giảng “Giang san và bản tánh”, cuốn sách “Ý nghiệp” – Thượng tọa Thích Chân Quang.