Vì vậy đừng bao giờ ta đổ thừa là không có thời gian. Ta có ít thời gian, hay ta có nhiều thời gian, hay ta khôn ngoan trong cái sự sắp xếp thời gian thôi, chứ phải có tu tập, bắt đầu từ bây giờ.
Bởi vì sao? Bởi vì giáo lý của đạo Phật là ánh sáng để ta thoát khỏi cái bóng đêm của vô minh, là dòng suối mát để ta thoát khỏi cái sự nóng nực, dày vò của phiền não, là thức ăn tinh thần để ta thoát khỏi sự đói kém của trí tuệ. Giáo lý đạo Phật là sự thiêng liêng để ta được chở che, được nương tựa.
Nếu một ngày mà ta không nghe được giáo lý, một ngày mà ta không có thực hành, là một ngày ta ở trong bóng tối, một ngày ta ở trong sa mạc, một ngày ta đói khát. Còn nếu một ngày mà ta có nghe giáo lý, một ngày ta có tu tập, là một ngày ta được tắm trong hào quang của Phật, ta bước đến gần Phật hơn một chút nữa. Cuộc đời ta được thanh lương hơn, an ổn hơn, mát mẻ hơn, no đầy hơn.
Vì vậy là đừng bao giờ ta rời bỏ Phật pháp trong 1 ngày nào hết. Luôn luôn phải sắp thời gian, dù bận cách mấy, ta phải có lễ Phật, ta phải có ngồi Thiền, thì đó là một ngày mà ta thanh lọc được thân tâm của mình, tiến dần đến sự tinh khiết cao cả.
Một ngày mà ta khởi được tâm từ bi, một ngày mà ta làm được một việc phước, tức là ta bước thêm được gần đến một quả vị cao cả hơn. Còn ta chậm một ngày, ta quên một ngày, ta đánh mất một ngày, không có tiếp cận với giáo lý, không có thực hành tu tập, thì đúng là một ngày ta để cho cái vô minh, tội lỗi có cơ hội tàn phá tâm hồn ta thêm một chút nữa.
Thì đây là tuỳ ta chọn, ta muốn đến với ánh sáng của Phật hay ta muốn để cho vô minh kéo níu, tàn phá tâm hồn ta. Ta muốn cho Phật pháp thiêng liêng, gột rửa thân tâm ta, hay là ta muốn cái vũng lầy của phiền não trói buộc thân tâm ta, tuỳ ta chọn.
Nhưng ở đây Thầy nghĩ là đừng có nên chọn, mà phải bị bắt buộc. Mỗi người phải tự buộc mình là không một ngày nào quên tu tập, không một ngày nào mà không tiếp cận với giáo lý, để chúng ta được tắm trong giáo lý, được thấm nhuần trong giáo lý. Là một ngày ta thăng tiến hơn, ta cao cả hơn, ta tinh khiết hơn.
Cái gì đợi thì có thể ít thiệt thòi, nhưng mà cái tu mà đợi thì thiệt thòi lớn.
Trích bài pháp: “Đừng Chờ Đợi”
Thuyết giảng: Thượng Toạ Thích Chân Quang