Khi Đức Phật ngự tại nước Xá Vệ, trong thành có một ông già giòng Bà la môn đã 80 tuổi, nhà giàu của cải vô số. Nhưng thuộc hạng người nan hóa, chẳng biết gì đạo đức, chẳng biết lo cơn vô thường mà chỉ biết lo làm nhà cho đẹp: nào là nhà trước nhà sau, nào là lầu mát nhà ấm, nào là nhà đông nhà tây, hai hàng dài có chừng vài chục nóc. Nhưng chỉ có cái nhà tiền đường và hậu tẩm còn cách nhau chưa liền mỗi khi đi lên xuống thường bị mưa nắng bất tiện, nên ông đích thân ra kinh doanh và chỉ huy cho chúng bạn làm.
Bấy giờ đức Phật dùng đạo nhãn xem thấy ông già này, không còn mấy hôm nữa sẽ bị tận mạng; thế mà ông có tự biết đâu, nên cứ loay hoay nhọc sức, không ích gì cho đời sau, thật là đáng thương!
Đức Phật với A Nan hai thầy trò cùng đi đến tận nhà, vui vẻ hỏi ông rằng: “Ông lão làm gì đó, có nhọc mỏi không? Và nay còn cất nhà này nữa chi thế?”
Ông đáp và giải thích: “Nhà trước để tiếp khách, nhà sau để tự ở, hai dãy đông tây thì con cháu tôi tớ ở, và để của cải. Mùa hè nóng bức thượng lên lầu cao cho mát; mùa đông lạnh lẽo, trụt xuống nhà kín cho ấm. Ngài đã hiểu hết chưa?”
Đức Phật bảo: “Tôi nghe danh ông lão đã lâu, muốn gặp nhan để đàm luận cho vui, nên tôi sẵn có một bài kệ khẩn yếu; kệ này có ích cho những lúc an lành hay bất hạnh, giờ đây muốn tặng, ông lão nên nghỉ tay cùng ngồi, tôi đọc nghe chừng được không?” Ông đáp: “Tôi đang bận việc lắm, nên không thể ngồi mà đàm luận được; mai mốt nếu Ngài đến thời hay biết bao. Mà bài kệ khẩn yếu thì Ngài cứ việc đọc, tôi vừa làm vừa nghe cũng được.”
Đức Phật phải chìu lòng đọc kệ:
“Có con có của, ngu lo bận rộn,
Ta chẳng phải ta, con của đâu có.
Nóng sẽ hết nóng, lạnh sẽ hết lạnh,
Lắm ngu lo trước, chẳng biết tai đến.
Ngu mờ ngu mịt, tự cho là trí,
Ngu mà xưng trí, ấy là rất ngu.”
Ông già bạc phước ấy khen; Ngài thuyết kệ hay thật nhưng nay bận quá, ngày mai Ngài đến, chúng ta sẽ cùng bàn luận thì hơn.
Thế là đức Phật thương hại cho ông ta rồi đi.
Đức Phật vừa đi không xa, ông già tự tay đưa cây lên cho thợ làm, chẳng may bị sẩy tay cây rơi xuống đánh vỡ đầu chết ngay tức thì! Người nhà la khóc, động cả xóm làng. Đức Phật đi chưa bao xa, thì xảy ra ta biến này.
Ngài đi đến một làng khác, vừa gặp mười người Phạm Chí họ hỏi Ngài đi đâu vậy, thì Phật đáp: Ta đi đến nhà ông già ở làng kia, với mục đích để thuyết pháp, nhưng ông không tin lời Phật, và cũng không biết tai biến vô thường, Ta vừa đi thì ông đã chết vì cây rơi đánh. Rồi Phật lại vì các ông Phạm Chí thuật lại ý nghĩa bài kệ mà Ngài vừa mới đọc cho ông già nghe khi nãy. Nghe xong các Phạm Chí vui mừng hớn hở, đều được thấy dấu vết của Đạo.
Liền đó đức Phật thuyết một bài kệ khác cho mấy ông nghe:
Ngu ám gần trí, như bầu chứa vị,
Chứa đựng tuy lâu, mà chẳng biết mùi.
Sáng suốt gần trí, như lưỡi nếm vị,
Đưa đến chót lưỡi, liền biết vị gì.
Người ngu tạo tác, vì thân chuốc họa.
Cam lòng làm ác, tự gây tội nặng.
Gây điều bất thiện, khi biết ăn năn,
Khóc rơi nước mắt, trả báo do nhơn.
Các ông Phạm Chí được hân hạnh nghe bài kệ này nữa, lòng tin càng bền vững, vui mừng làm lễ phụng hành.
Kinh Pháp Cú Thí Dụ