Một ngày cuối mùa an cư kiết hạ, Tôn giả Xá Lợi Phất xả thiền và quét dọn sạch sẽ, ngăn nắp tịnh cốc của mình. Trong tinh xá Kỳ Viên, nắng đã nhạt màu và những cây cổ thụ bắt đầu trút lá. Tôn giả đứng lặng người ngắm nhìn cảnh vật nơi đây một lần cuối như tri ân biết bao ngày gắn bó, che chở nắng mưa, rồi Ngài bước đến giảng đường, quỳ xuống đảnh lễ dưới chân Đức Bổn Sư:
– Kính bạch Thế Tôn, thời khắc của con đã đến, tấm thân tứ đại đang giục giã, xin Thế Tôn cho con được nhập Niết Bàn tịch diệt, con sẽ không quay trở lại luân hồi này nữa.
Cả không gian bỗng chốc im ắng như tờ, như lắng nghe từng hơi thở, từng dòng lệ trào ra ước đẫm trên gương mặt của đại chúng. Đức Thế Tôn trìu mến nhìn người trưởng tử của mình, Ngài cất giọng đầm ấm:
– Này Xá Lợi Phất, con hãy làm điều con cho là phải thời. Nhưng từ đây đại chúng sẽ không còn được trông thấy con, vị Thượng Thủ Tăng đoàn mẫu mực nữa. Con hãy để lại một thời Pháp cuối cho chư Tăng.
Vâng lời, Tôn Giả bước lên một bảo tòa thấp hơn, ngồi trang nghiêm cất lời pháp âm. Nghe Thời Pháp như một khúc hát ngân nga đẹp vô ngần.
Bài Pháp thoáng hiện lại hình ảnh của cả trăm ngàn đại kiếp trước. Tôn Giả đã phát nguyện để được quỳ xuống trước đôi chân của Thế Tôn như bây giờ. Và trong suốt hàng triệu lần xác thân tái hợp trong luân hồi, Ngài đã luôn là một người đệ tử trung thành và vâng lời Thế Tôn. Rồi trong kiếp sống cuối cùng, Thế Tôn đã đến với trần gian gióng tiếng trống bất tử xóa tan mây mờ u tối, tiếng hải triều âm vang đem lại chân lý nhiệm mầu cho chư Thiên và nhân loại, Ngài vẫn luôn âm thầm ở bên hỗ trợ Người.
Khi dừng lời, Tôn Giả quỳ xuống ôm chân Đức Bổn Sư thật lâu. Rồi Ngài chấp tay khải sám:
– Bạch Thế Tôn, trong đời sống vừa qua hoặc trong vô lượng kiếp trước, nếu con có làm gì không vừa ý Thế Tôn, xin Người tha thứ cho con.
– Này Xá Lợi Phất, không một lời nói hay hành vi nào mà Như Lai có thể quở trách con được. Con là một Tỳ kheo có trí tuệ và tấm lòng quảng đại. Như Lai cho phép con bước đi.
Tôn giả Xá Lợi Phất lạy tạ, đảnh lễ Đức Bổn Sư lần cuối, rồi Ngài từ từ rời khỏi đôi chân của Thế Tôn. Ngay lúc đó, địa cầu rúng chuyển như muốn tiễn biệt Ngài, một vị Thánh Tăng vĩ đại.
Sau cùng, bằng một cử chỉ chấp tay cao tôn kính, Tôn Giả trở gót lui dần, Ngài cứ lui ngược như thế cho đến khi hình ảnh của Thế Tôn xa mờ…
Thế rồi Tôn Giả lên đường trở về quê hương Nalaka, thăm lại mái nhà xưa, nơi đã nâng gót những bước chân của Ngài suốt những tháng ngày thơ ấu. Mẫu thân Ngài, bà Rupasari là một người phụ nữ quý phái, tuy đã lớn tuổi nhưng gương mặt bà vẫn ngời sáng những đường nét sang trọng. Cả bảy người con của bà đã xuất gia theo Thế Tôn và chứng đắc đạo quả, riêng bà vẫn coi đó là một nỗi hậm hực. Mẹ của Ngài Xá Lợi Phất không tin Đức Phật. Bà đem lòng kính ngưỡng, tôn thờ các Đấng Phạm Thiên. Theo bà, chỉ có các vị này mới là vĩ đại nhất. Vì thế, Tôn giả Xá Lợi Phất về đây để hóa độ cho thân mẫu trước khi nhập vào cõi Niết Bàn tịch diệt.
Hôm ấy, vào nữa đêm, tại căn phòng Ngài Xá Lợi Phất đang nghỉ, hương thơm tinh khiết bỗng tỏa ra ngào ngạt khắp không gian. Từ trên các tầng trời, những vầng ánh sáng ngủ sắc liên tiếp đáp xuống như những cánh sao bay, làm sáng rực cả căn phòng. Lúc này, bà Rupasari không cầm lòng được mới bước vào hỏi Tôn Giả. Ngài kể cho bà rằng đó là Chư Thiên các cõi trời Tứ Thiên Vương, vua trời Đế Thích, các đại Phạm Thiên đến để đảnh lễ Ngài. Bà Rupasari xúc động nghẹn ngào, hóa ra con trai bà còn cao quý hơn cả những đấng thần linh mà suốt bao nhiêu năm qua bà vẫn thờ phụng. Rồi bà nghĩ tưởng đến ân đức của Bậc Đạo Sư, Thế Tôn còn bao la và tôn quý biết nhường nào. Trong giờ phút ấy, niềm tin kính tột cùng với Tam Bảo bừng sáng, bà chứng Thánh Quả Dự Lưu.
Tôn Giả Xá Lợi Phất ngắm nhìn bà rồi nở một nụ cười hiền hậu. Hiếu hạnh đã hoàn thành viên mãn, những tình nghĩa thế gian đã đền đáp vẹn toàn, Ngài nhắm mắt nhập dần vào trong các tầng thiền rồi nhẹ nhàng xả bỏ tấm thân, an trú vào Niết Bàn tịch diệt. Bên ngoài, vầng dương vừa ló dạng phía đằng đông, những cánh hoa trời rơi rơi….
Trích trong sách : “Thánh Độ Mệnh Tôn Giả Xá Lợi Phất (Sariputta)”