Phép sám hối của đạo Phật cũng là một đạo đức phổ quát của nhân loại. Việt Nam gọi là “xin lỗi”, tiếng anh là “Sorry”, tiếng Pháp là “Pardon”, người có lỗi muốn bày tỏ rằng: tôi biết lỗi rồi hãy tha lỗi cho tôi. Chỉ có hai chữ “xin lỗi” thôi nhưng hàm một ý nghĩa rất dài. Trong đạo Phật thì gói đạo lý đó trong hai chữ “sám hối”. Con người càng văn minh, càng đạo đức thì người ta hay nói lời xin lỗi.
Người dễ nói lời xin lỗi chừng nào thì người đó càng có đạo đức chừng ấy. Nhìn trên biểu hiện là người ta hay thấy lỗi và cầu xin sự tha thứ của tha nhân thì biết rằng người này có đạo đức sâu dày. Còn người nào trong cuộc sống mà rất ít nói lời xin lỗi thì đạo đức người đó thuộc loại kém. Đó là cái nhìn rất khách quan.
Trong cuộc sống, ta chứng kiến không ít trường hợp những bậc cha mẹ cũng nói lời xin lỗi con khi làm không đúng: “Thôi thôi, ba xin lỗi con, ba không cố ý như vậy.” Có rất nhiều người trong đời họ đã khiêm tốn được như vậy, chứng tỏ đạo đức của người đó sâu dày. Người biết lỗi, nhận lỗi và cầu xin sự tha thứ là người có đạo đức. Ngược lại, trong cuộc sống mà ta rất ít nói lời xin lỗi thì ta phải xét lại đạo đức của mình.
Có hai trường hợp không nói lời xin lỗi, một là người không có lỗi gì hết – không làm gì sai lầm để nói lời xin lỗi, hoặc là người không có đạo đức, mình có vấp phải những sai lầm nhưng không bao giờ biết ăn năn, hối lỗi.
Còn khi ta biết lỗi rồi, ta thật lòng ăn năn, xin lỗi, cầu xin sự tha thứ của người kia chân thành chứ không phải đầu môi chót lưỡi, xin lỗi cho xong chuyện để mình không bị trách cứ. Người sống thật tâm như vậy, ta gọi đó là đạo đức.
Trong đạo Phật đẩy cái xin lỗi đó thành một phép tu đặc biệt gọi là sám hối. Đây là điều rất sâu sắc trong đạo lý của Phật và đã trở thành một phép tu kiên trì, nhẫn nại mà hầu hết các chùa và người đệ tử Phật đều thực hành. Có chân thành nhận lỗi thì đạo đức, đạo lực mới tăng tiến, con đường tu hành mới bền vững và lâu xa.
Vì vậy, thông thường mỗi tháng các chùa đều bỏ ra hai ngày để sám hối, hoặc là sám hối hồng danh hoặc là sám hối theo nghi thức của các hệ phái đặt ra. Phép sám hối như một phép tu bắt buộc bởi vì ý nghĩa của sám hối được đạo Phật xem rất quan trọng. Người đời xem việc “xin lỗi” là quan trọng, là đạo đức thì trong đạo Phật xem việc “sám hối” còn quan trọng hơn ngàn lần như thế.
Đến với đạo Phật, khi sám hối có khi ta biết lỗi, nhưng cũng có khi ta không biết nó là gì. Ta bày tỏ điều đó với người mà ta xúc phạm hoặc với cả một đại chúng hoặc với Phật, với Bồ Tát. Khi đến với đạo Phật ai cũng tin Nhân quả, nên khi thấy cuộc sống bất toàn, nghĩ rằng do Nhân quả đời trước mà không biết chính xác lỗi mình ở chỗ nào. Có rất nhiều nguyên nhân mà ta không thấy hết, tuy nhiên ta cứ lòng thành sám hối, tin sâu vào Nhân quả sẽ có lúc nào đó chợt trong giấc mơ Phật, Bồ Tát sẽ cho ta biết Nhân quả đó là gì.
Khi ta biết lỗi rồi, ta cứ xoáy vào lỗi đó mà sám hối thì qua những đời sau ta sẽ thoát được lỗi lầm đó. Đời sau ta sẽ luôn luôn là người rộng mở, không còn những tâm hẹp hòi, ích kỷ, sân si như thế nữa.
Trích bài giảng: “Ý nghĩa của sự sám hối” – Thượng tọa Thích Chân Quang.