Sự hờ hững tuy không cấu thành tội theo luật pháp, nhưng lại là một cái tội trong nhân quả.
Ví dụ, trong khu xóm mình thấy một căn nhà cửa nẻo sơ sài, mái tôn dột nát, người chủ nhà ngày ngày đi làm thuê, gia đình khó khăn cũng không có điều kiện sửa lại cho đàng hoàng. Ngày nào ta cũng đi ngang qua và thấy căn nhà dột, thỉnh thoảng người trong nhà phải leo lên sửa mái… Rồi ta đi qua luôn, vẫn sống cuộc đời của mình, như vậy có tội không?
Không ai bắt tội ta cả, nhưng luật nhân quả lại kết tội ta, bởi ta đã hờ hững trước nỗi khổ, sự chật vật của người khác. Và dĩ nhiên ta không tránh khỏi quả báo:
+ Đầu tiên, vì đã nhìn thấy những chuyện phải tính toán suy nghĩ mà ta không tính, không nghĩ gì, nên kiếp sau trí tuệ mình sẽ hạn chế một chút, tự nhiên mình là con người ngu ngơ, không sáng suốt nhanh nhạy.
+ Thứ hai, cũng vì trời đã cho ta đôi mắt để nhìn thấy cảnh khổ trên đời mà ta vờ như không thấy, nên kiếp sau đôi mắt ta sẽ nhòa nhòa, mờ kém một chút. Lẽ ra khi mắt lướt qua căn nhà dột nát, lòng ta phải bận tâm suy nghĩ xem mình có thể giúp được gì không chứ không đành lòng bỏ qua.
Cho nên, một người đệ tử Phật có trí tuệ, có từ bi thì đừng để cho điều gì qua mắt mình mà bị bỏ sót cả. Trên đời còn biết bao nhiêu thân phận, bao nhiêu chuyện ngang trái nữa mà ta đã thấy qua đôi mắt mình. Tất cả đều khiến ta phải trăn trở, tư duy tìm cách giúp đỡ, hay ít nhất là một lời cầu nguyện tốt đẹp đến cho người.
HỜ HỮNG DÙ KHÔNG PHẢI LÀ MỘT CÁI TỘI TRONG LUẬT PHÁP, NHƯNG LÀ MỘT CÁI TỘI LỚN TRONG PHẬT PHÁP.
Trích sách: “Nói với chính mình” – TT. Thích Chân Quang.