Thay vì phụng dưỡng cha mẹ, họ lao vào những cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng. Những nỗi lo “sai địa chỉ” như thế làm chính họ bị động tâm vô ích, sau đó tổn phước rồi mất dần giá trị.
Hoặc có người quanh năm dành dụm tích góp tiền bạc, hễ được một khoản kha khá, họ sẽ chi vào những chuyến du lịch. Khuynh hướng này xuất phát từ phương Tây. Thật ra việc thay đổi môi trường sống, thăm thú cảnh đẹp cũng là nhu cầu chính đáng của con người. Tuy nhiên, ta sẽ tổn phước nếu đổ tiền của vào đó một cách quá độ. Người Phật tử không nên làm điều gì chỉ vì thỏa mãn sở thích cá nhân. Trong cuộc đời mình, hãy dành tiền bạc, thời gian, sức lực cho những chuyến đi cần thiết và mang lại lợi lạc cho con người.
Báo Tuổi Trẻ từng đăng một bài viết của tác giả Nguyễn Cung Vệ Binh nói về những nghịch lý của thời đại. Ông cho rằng chúng ta giành giật nhiều hơn nhưng lại có ít hơn; có những tòa nhà đồ sộ hơn nhưng gia đình lại bé nhỏ hơn; sở hữu nhiều hơn nhưng mất mát hơn về nhân cách. Hoặc con người có nhiều phương tiện giải trí hơn, nhưng niềm vui thật sự thì ít hơn. Những nghịch lý trên đều rất thấm thía.
Hãy đừng dại dột lao vào những cuộc vui vô bổ, rồi cuộc đời mình mất giá trị và kém phước. Những người đàn ông thời trẻ đã ăn chơi quá nhiều, mấy chục năm sau sẽ rơi vào một tuổi già hoang mang, hụt hẫng mất hướng đi. Họ thấy cuộc đời sao trống rỗng và vô vị kỳ lạ. Bản thân họ cũng không còn giá trị, những đứa con, cháu nhìn vào tự nhiên thấy không thể tôn trọng. Không còn được ai nể trọng là dấu hiệu của người đã hết phước, bởi bao nhiêu năm sống trên đời họ đã đổ quá nhiều tâm, sức vào những điều phù phiếm vô nghĩa.
Trích sách: “Đạo Phật và xã hội” trang 72, 73 – TT. Thích Chân Quang.