Này Thiện tri thức, thế giới hư không hay bao hàm vạn vật sắc tượng, mặt trời, mặt trăng, sao, núi, sông, đất liền, suối khe, cỏ cây rừng rậm, người lành người dữ, pháp lành pháp dữ, thiên đường địa ngục, tất cả biển lớn, các núi Tu Di, thảy ở trong hư không. Tánh không của người đời cũng lại như thế.
Trong đoạn này, Ngài dùng hư không để ví dụ cho tánh không của chúng ta, hư không bao trùm tất cả thế giới, người vật v.v… đều nằm trong hư không. Có thế giới nào không nằm trong hư không? Có vật nào không nằm trong hư không? Như vậy hư không bao trùm muôn tượng, muôn tượng đều nằm trong hư không.
Lục Tổ bảo tâm tánh chúng ta khi rỗng lặng cũng như thế, rộng như hư không nên nói tâm như hư không. Như hư không chớ không phải là hư không, nhớ như thế. Hư không vô tri còn chúng ta hằng giác, như là như cái thể rỗng rang rộng lớn đó, nhưng một bên vô tri, một bên hằng giác nên khác nhau.
Nhiều người không hiểu nghe nói tâm như hư không, họ tưởng tu rồi tâm thành hư không, đó là sự lầm lẫn của một số học giả, họ cho Niết Bàn là chỗ không ngơ. Đã không ngơ thì tu làm chi? Thế nên phải biết rõ tất cả sự tu hành chủ yếu là đến chỗ rỗng lặng đó, nó có diệu dụng gì chúng ta mới muốn đến đó, chớ thành không ngơ thì đến làm chi?
( Trích trong “KINH PHÁP BẢO ĐÀN” – Sư Ông Trúc Lâm Giảng Giải )