Ví dụ, khi chúng ta sắp phải đi một chuyến buôn xa, mình đến ông thầy xin lá bùa để chuyến đi thuận lợi. Ông thầy kêu âm binh về, viết xong lá bùa rồi đưa mình cầm theo. Đúng là trong chuyến đi mình thuyết phục người rất tốt, đối tác bỗng nhiên rất dễ dãi, họ bán cho mình giá rẻ nên khi về mình bán lại được giá cao. Chính lá bùa tác dụng đến những âm binh khiến họ tác động vào tâm mọi người nên sự mua bán mọi chuyện đều thuận lợi. Tác dụng đó chính là dùng thần lực, thần thông, phép lạ, để can thiệp vào đời sống thực tế nên kinh doanh trên phương án này thật sự rất lời.
Mặc dù vậy, đó lại là điều vô cùng nguy hại, bởi vì sao?
Thứ nhất, mình sẽ ỷ lại vào lá bùa và không còn thiết tha làm phước, không bao giờ quan tâm đến nhân quả, đến phước đức, đến sự trả vay. Đệ tử một ông thầy bùa thường hay dùng phép thuật can thiệp vào đời sống của con người. Họ là những người ít tin nhân quả, không chịu làm phước, không chịu trau dồi đạo đức vì luôn ỷ lại người thầy viết chú, vẽ bùa, thay đổi số phận từ tối thành sáng. Chính sự ỷ lại, chủ quan đó đã giết họ ngay trong kiếp này và vô lượng kiếp khác.
Tai hại thứ hai là họ mắc nợ cả đàn âm binh theo phù hộ, những vong linh mang hình hài con mèo, con chó, con trâu, con cọp, hoặc mang cả hình người đi theo họ vì lá bùa ông thầy đã vẽ. Nguyên đám âm binh có khi lên đến cả bốn, năm trăm tên. Một kiếp nào đó tự nhiên mình mắc nợ những bốn, năm trăm mạng, chúng hạch sách mình đủ điều, làm khổ mình đủ chuyện mà mình không biết tại sao. Khi thỉnh bùa mình chỉ biết có ông thầy, rồi khi trả tiền, trả công thì cũng chỉ biết ông thầy mà không hề biết mình mắc nợ âm binh; mà đã là âm binh thì chúng không hiền và chẳng thể từ bi, một kiếp nào đó chúng sẽ phá và hại mình đến ngây dại.
Tai hại thứ ba là mình mắc nợ người bán hàng giá rẻ. Họ bán giá rẻ vì âm binh tác động nên mình mắc nợ và mình phải trả, không trả kiếp này thì cũng phải trả ở những kiếp sau. Và cũng vì thế mà mình mắc nợ với cả người đã mua lại giá cao. Họ mua giá cao nên lời mình được hưởng, còn nợ thì mình phải trả, kiếp này không trả thì những kiếp sau phải trả.
Cho nên, dùng thần thông hay phép lạ can thiệp vào đời sống chỉ gây tai họa, gây mất đạo đức và gây nợ về sau, dù trong cõi vô hình cũng như cõi hữu hình, chắc chắn một điều là mình sẽ cực kỳ đau khổ. Cái lợi mình hưởng không bao nhiêu so với bội lần cái nợ mình gây tạo, mà đã mang nợ thì chẳng khi nào sung sướng.
Đức Phật vì thế không bao giờ vận dụng thần thông bừa bãi. Ngài chỉ dạy chúng ta làm những điều lành, gia hộ cho ta làm những điều tốt. Khi ta quá khổ, Người dùng thần thông che bớt cho ta nếu nhận thấy những phút vị lai ta vẫn biết gieo tạo phước lành. Vì thế, chúng ta cần ghi nhớ rõ điều này: chúng ta bắt buộc phải làm phước bù lại khi toại nguyện điều đã xin với Phật.
Đức Phật ít khi muốn dùng thần thông mà chỉ muốn chúng ta đạt hạnh phúc bằng vốn phước của chính mình. Mình phải hiểu điều này thì mới thấy được sự vĩ đại của Phật. Có khi ta thấy Phật thật lạnh lùng, nhưng đó là vì Phật thật sự thương mình, vì thương mình nên không thể nào mỗi chuyện mỗi ban ân. Phật vì thương mình nên Phật muốn tôi luyện mình trong đau khổ, trong vất vả để mình cứng cáp và sẽ sống tốt hơn.Vì chỉ có sự cực nhọc và kham khổ mới giúp ta nên người. Đức Phật mong ta đi qua đau khổ để ta rèn luyện, ta trau dồi, ta tu tập. Nếu chúng ta luôn sống trong sự sung sướng thì rất khó lòng để trở nên tốt hơn. Những người từ nhỏ tới lớn chỉ sống trong nhung lụa, trong sự thương yêu, chiều chuộng đều rất khó trở thành người hữu ích. Những người đã từng trải qua đau khổ sẽ rất dễ có lòng thương cảm, thương yêu con người và biết chia sẻ với mọi người nhiều hơn.
Trích sách: “Lòng tôn kính Phật vô biên” – TT. Thích Chân Quang.