Mỗi tính chất của Tam Vô Lậu học đều có sự khác nhau. Giới thì cần ý chí, nên người mà giữ giới có nét mặt nghiêm nghị, cứng rắn, mạnh mẽ. Người có thiền định thì phong cách của họ trầm tĩnh, khoan hòa, điềm đạm. Đó là tính chất của thiền định. Còn người có gương mặt sáng tỏ, đôi mắt sáng lấp lánh, thần quang có vẻ quang minh thì hiểu rằng con người này thành tựu về Tuệ, đi về con đường Tuệ, người đó biết tội, biết phước, biết nhân, biết quả, biết mục tiêu vô ngã và quan trọng là biết lỗi mình.
Tại sao nói rằng: Quan trọng là biết lỗi mình?
Ta thấy trong cuộc sống tu hành, nhiều người rất hiểu kinh luận, rất giỏi lý luận, thuyết giảng hấp dẫn cũng nói được về nhân quả, tội phước về mục tiêu giải thoát giác ngộ. Tuy nhiên, người không có tuệ có thể bắt lỗi người khác rất giỏi, có thể nói kinh rất giỏi mà không bao giờ nhìn lại để thấy lỗi mình. Và nhìn vào người đó, ta thấy gương mặt họ u ám, vì bị mất cái gốc là không tự thấy được lỗi. Nhưng người có trí tuệ, họ thấy được lỗi, phát hiện lỗi của mình từ trong mầm mống nội tâm sâu kín. Như vậy, nếu có ai hỏi: trí tuệ là gì? Ta có thể trả lời: Là thấy được lỗi mình.
Ta thấy ba tính chất của tam vô lậu học vừa khác nhau, vừa tương tác lẫn nhau mà ta phải trau dồi:
Thứ nhất, tính chất của Giới là ý chí.
Thứ hai, tính chất của Thiền Định là sự trầm tĩnh, điềm đạm.
Thư ba, tính chất của Tuệ là sáng suốt. Mà sáng suốt tới đâu? – Tới chỗ biết được lỗi của mình.
Trích sách “Tam Vô Lậu Học” – TT. Thích Chân Quang.
Nguồn: facebook.com