Người nào đã từng vất vả đấu tranh với lầm lỗi của mình, thanh lọc nội tâm mình, biết tôn trọng mọi người, giữ gìn tâm khiêm hạ, tự xem mình như cát bụi cỏ rác, trải lòng thương yêu muôn loài, âm thầm thiền định nhiếp tâm… sẽ tạo thành cái gọi là đạo lực.
Từ đạo lực này, những người nghe ta nói đều bị lay động dữ dội, không thể ngồi yên mà phải bước tới. Thiếu đạo lực, người nghe sẽ nhàm chán dần, vì mơ hồ biết rằng người nói chỉ lập lại suông những gì đã học chứ không thực hành trước.
Người có kinh nghiệm thực hành sẽ hiểu biết đường đi nước bước cặn kẽ hơn, và đương nhiên sẽ trình bày vấn đề kỹ lưỡng chi tiết hơn, do đó người nghe dễ hiểu hơn. Người không thực hành nói quanh co, không dính dáng vào thực tế để có thể giúp người nghe biết cách thực hành theo.
Ví dụ khi ta nói về lòng từ bi, nếu đã có thực hành trước, tự nhiên người nghe cảm thấy một sức mạnh thương yêu truyền sang và buộc họ phải thương yêu tiếp tục truyền sang người khác nữa. Nếu người nói không thực hành, người nghe không thấy cảm động và không cần phải thương yêu ai nữa.
Ngay cả người tu sĩ cũng vậy, nếu nghe giảng từ những tâm hồn rỗng thì cũng không muốn thực hành. Vì vậy, muốn cho Phật Pháp hưng thịnh, mỗi người chúng ta phải tu hành siêng năng kỹ lưỡng hơn rất nhiều. Mà việc tu hành phải bắt đầu bằng cách xét lỗi của mình trước. Trong các lỗi về đạo đức, kiêu mạn là cánh cửa đầu tiên mở đường vào cõi quỷ.
Trích: Tâm Lý Đạo Đức Tập 1 – TT. Thích Chân Quang.